Paris nổi tiếng yên bình, người dân nơi đây vốn quen lối sống tự do, lãng mạn, nay trở nên cảnh giác và lo ngại về an ninh hơn bao giờ hết. Chỉ vài ngày sau khi khủng bố ghé thăm trở lại thành phố này sau hàng chục năm vắng bóng, Paris đã khoác lên mình một tâm trạng mới, đó là sự thương tâm và lòng căm phẫn.
Nơi tôi sống là quận 13, chỉ cách tòa soạn báo Charlie Hebdo ở quận 11 vài km. Vụ việc xảy ra đã khiến cả nước Pháp rúng động. Không ai ngờ được rằng, ở ngay trung tâm thủ đô Paris hoa lệ, bọn khủng bố lại có thể dễ dàng và ngang nhiên tiến thẳng vào tòa soạn báo với những vũ khí giết người ghê rợn để gây án.
Trên toàn nước Pháp tối 8.1, hơn 100.000 người đã xuống đường để vinh danh các nạn nhân và lên án vụ khủng bố. Tại Paris, theo số liệu của cảnh sát có 35.000 người đủ mọi lứa tuổi tập hợp tại quảng trường Republique, gần tòa soạn Charlie Hebdo. Dự kiến, vào ngày Chủ nhật, một cuộc tuần hành lớn sẽ diễn ra ở Paris.
Ngoài ra, các cuộc biểu tình khác cũng diễn ra tại nhiều thành phố châu Âu, từ Berlin, Bruxelles, Madrid cho đến London, Thụy Sĩ, Vienna, La Haye, Stockholm. Còn trước tòa soạn Charlie Hebdo, người dân Paris tiếp tục mang hoa và nến đến đặt trước các bức chân dung khổ lớn của 4 họa sĩ tên tuổi bị sát hại.
Có lẽ, việc đề cao tự do ngôn luận đã thấm sâu trong dòng máu Pháp, ngay cả một em bé chỉ mới 9 tuổi khi được báo Lemonde phỏng vấn cũng đặt ra câu hỏi ngược lại rằng: “Cháu không hiểu sao, việc nói thẳng, phê phán thẳng một ai đó lại bị đe dọa và trả thù?”.
Kể từ vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở những năm 90, nay nước Pháp mới phải chứng kiến cuộc thảm sát đẫm máu như vừa diễn ra ở tòa soạn báo Charlie Hebdo ngày 7.1.
Đã 3 ngày trôi qua, cảnh sát vẫn chưa bắt được những đối tượng còn lại, nên người dân Pháp cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi về hệ thống an ninh, chính sách nhập cư. Người Pháp không chỉ trích trực diện vào một cá nhân nào, sự phẫn nộ của họ dồn hết vào cái gọi là tội ác man rợ và sự đe dọa tự do ngôn luận.
Charlie Hebdo không phải là tờ báo lớn như Le Monde, Echo…, nhưng ở nước Pháp họ cũng có lượng độc giả cố định, bởi những vấn đề thời sự được mô tả dưới góc nhìn hài hước cũng được rất nhiều người Pháp ưa thích. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, dưới góc nhìn biếm họa của Charlie Hebdo, hiệu ứng xã hội của sự vụ được lan tỏa hơn các tờ báo chính luận.
Có lẽ vì điều này, người dân Pháp cảm thấy phẫn nộ nhân lên gấp bội, khi quyền con người, những ý tưởng tự do, góc nhìn hóm hỉnh của họ bị ngăn cản và đe dọa.
Ở trường đại học nơi tôi đang làm luận án tiến sĩ, ngày hôm qua, trong các buổi thuyết giảng, các giảng viên của trường đã đưa vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo ra để cùng thảo luận với sinh viên. Trong khi đó, ở Ifsttar - một tổ chức phi chính phủ- nơi tôi đang làm việc, những đồng nghiệp người Pháp cũng nói về vụ việc với lòng căm phẫn, nhưng không hề sợ hãi trước kẻ ác. Họ cho rằng, vụ việc xảy ra đã khiến cuộc sống của họ có phần xáo trộn.
Paris không còn mang vẻ yên bình như trước bởi lực lượng cảnh sát xuất hiện ở trên các đường phố nhiều hơn bình thường rất nhiều. Với những người dân vốn có thói quen đi tàu điện ngầm, nay cũng có cảm giác ngại sử dụng dịch vụ giao thông công cộng này. Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, người dân gặp một số phiền toái như bị cảnh sát kiểm tra an ninh, lục soát túi xách nhưng hầu hết họ không cảm thấy khó chịu.
Còn với nhiều người Việt đang sống ở Paris, trong những ngày này, chúng tôi chỉ hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, chứ không hề sợ hãi. Ai cũng có chung một niềm hy vọng, sự bình yên vốn có sẽ sớm trở lại với Paris.