Dân Việt

Niềm vui kép của người trồng rau Hà Nội: Vừa đắt hàng vừa được giá

Nam Tùng Sơn 10/01/2015 09:46 GMT+7
Do thời tiết thuận lợi, cộng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên năm nay những người trồng rau ở Hà Nội được hưởng “niềm vui kép” khi vừa bán được rau, vừa được giá. Dự báo, tết này Hà Nội sẽ không thiếu rau.

Thời điểm này, ở xã Vân Nội (Đông Anh), một trong những cái nôi rau an toàn (RAT) và là “vựa” rau lớn của Hà Nội, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch rau. Ông Dương Văn Điểm ở thôn Đông cho biết, nếu vào dịp này năm ngoái giá cải thảo chỉ 4.000 đồng/kg, thì nay có thời điểm lên 10.000 – 12.000 đồng/kg, hay súp lơ cũng tăng từ 6.000 đồng lên 12.000 – 13.000 đồng/cây to. Theo ông Điểm, thời điểm này tăng nhiều nhất là các loại rau ăn lá, như rau cải xanh, cải thảo, cải ngồng, mồng tơi… bởi những loại rau này rất thích hợp cho ăn lẩu vào những ngày giá lạnh này.

img
Người dân huyện Mê Linh, Hà Nội vui vì rau  được mùa, được giá. 
Mạc Hà
Ông Trần Văn Mây – Chủ nhiệm HTX Tiêu thụ và chế biến sản phẩm RAT Vân Nội cho biết, sở dĩ năm nay rau được mùa là bởi thời tiết thuận lợi. “Khi gieo, cấy rau thời tiết nắng ấm, còn đến lúc chuẩn bị cho thu hoạch thời tiết hơi se lạnh, nên rau có màu xanh rất đẹp và chất lượng rau cũng ngon hơn. Còn về giá cả tăng, tôi nghĩ một phần do nhu cầu tăng, thứ nữa là các vùng rau đã cơ bản quy hoạch được mùa vụ, nên không xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu” – ông Mây cho hay.

 

Về các vùng rau Văn Đức, Duyên Hà, Song Phượng… đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười tươi của bà con trồng rau. Cầm bó rau mồng tơi trên tay, chị Nguyễn Thị Hoa, xã viên HTX Duyên Hà (Thanh Trì) vui vẻ cho hay: “Năm nay rau, củ, quả không tốt lắm, có lẽ vì thế mà giá cũng khá hơn như cải bắp bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg, su hào 6.000 – 8.000 đồng/củ, rau cần 6.000 đồng/mớ, cà chua 12.000 – 15.000 đồng/kg…”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, năm nay thành phố sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu rau hoặc thừa rau như những năm trước. Để làm được việc này, sở đã chỉ đạo, đốc thúc các phòng, ban nông nghiệp các địa phương, cần lên kế hoạch sản xuất cụ thể, hợp lý các loại rau, củ, quả, tránh tình trạng “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”. Bên cạnh đó, ngoài việc sản xuất rau theo quy trình truyền thống, hiện các địa phương cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng sản xuất theo quy trình RAT, VietGAP, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng, do đó có thể hạn chế đến mực thấp nhất tình trạng khan rau cục bộ, hoặc thừa rau do người dân đồng loạt trồng một số loại rau giống nhau.

     Chị Lê Thị Thảo, một tiểu thương ở chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết, trước đây mỗi ngày chị tiêu thụ khoảng 100kg rau, củ, quả các loại, nhưng hơn tuần nay, mức tiêu thụ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, bởi hầu hết người mua hàng đều mua với số lượng lớn.