Vụ truy tìm hai nghi phạm khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo đã kết thúc hôm qua bằng hai vụ bắt cóc con tin, nâng tổng số người thiệt mạng trong 3 ngày qua ở Pháp lên đến 17 người. Ba nghi phạm cũng bị tiêu diệt. Sự kiện lần này khiến chính phủ Pháp đang đối mặt với với hàng loạt câu hỏi xoay quanh những lỗ hổng trong hệ thống an ninh và tình báo.
Lực lượng tình báo quá mỏng
Theo CNN, cơ quan tình báo Pháp biết rõ việc tạp chí biếm họa Charlie Hebdo và các nhà báo là mục tiêu của tổ chức khủng bố aql-Qaeda tại bán đảo Arab, cũng nắm chắc hồ sơ của anh em nhà Kouachi, hai nghi can chính trong vụ thảm sát 12 người hôm 7.1. Cherif Kouachi, người em 32 tuổi, thậm chí đã từng ngồi tù năm 2008, bởi có hành vi giúp đưa các tay súng sang chiến trường Iraq.
Với mối liên hệ với tình báo Mỹ, giới chức Pháp được cho là có các thông tin về việc người anh Said Kouachi từng đến Yemen vào năm 2011 và đã từng gặp trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, kẻ phụ trách tuyên truyền của al-Qaeda tại đây. Cũng trong năm đó, al-Awlaki bị tiêu diệt trong một vụ không kích của Mỹ.
Câu hỏi cần được giải đáp là tại sao giới chức Pháp không có sự giám sát chặt chẽ hơn với anh em nhà Kouachi, những kẻ vốn nằm trong danh sách phần tử khủng bố cần được giám sát.
Hình ảnh được chụp bên trong tòa sạn Charlie Hebdo sau vụ tấn công khủng bố hôm 7.1. Ảnh: Ents Images |
Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân của các sơ suất trên là bởi Yemen không nằm trong phạm vi ưu tiên giám sát của tình báo Pháp. Các cơ quan an ninh nước này chủ yếu tập trung theo dõi 1.000 đến 2.000 công dân nước này đang chiến đấu tại Iraq và Syria dưới ngọn cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Những vụ tấn công như thế này rất khó để phát hiện và phòng tránh", ông Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, bình luận. "Vấn đề là chúng ta phải quản lý cộng đồng Hồi giáo như thế nào". Hiện nay, Pháp có 5 triệu người theo đạo Hồi.
Chuyên gia này cũng cho biết số lượng phần tử cực đoan tại Pháp không đông, nhưng cũng không khả thi nếu muốn giám sát tất cả các đối tượng trên. "Khó khăn nằm ở chỗ không thể theo dõi vĩnh viễn các đối tượng trên, thậm chí là kiểm soát các cuộc gọi của chúng suốt ngày", Grand nói.
Cùng chung nhận định trên, chuyên gia Jean-Charles Brisard thuộc Trung tâm phân tích chủ nghĩa khủng bố Pháp cho rằng lực lượng an ninh và tình báo nước này quá mỏng để tiến hành theo dõi các nghi phạm khủng bố. "Để theo dõi một người suốt 24 giờ, bạn cần 20 nhân viên, trong khi có khoảng 200 đối tượng quay về từ chiến trường Iraq và Syria", ông này nói.
Mặt khác, tại các quốc gia phương Tây, việc theo dõi các đối tượng khả nghi trong thời gian dài cũng không hoàn toàn hợp pháp. "Nếu như các đối tượng không phạm luật, thì các cơ quan tình báo không thể tiến hành bắt giữ và theo dõi, chỉ bởi vì họ có tư tưởng cực đoan. Hơn nữa cũng không thể dự đoán được một người thay đổi từ một tín đồ cấp tiến sang một kẻ khủng bố bạo lực", ông Bruce Riedel, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết.
Chủ quan trong dự báo tình hình
Một ngày sau vụ thảm sát Charlie Hebdo, một tay súng đã giết hại một nữ cảnh sát và làm trọng thương một nhân viên vệ sinh đường phố tại Montrouge, rìa phía đông Paris. Nghi phạm được xác định là Amedy Coulibaly.
Ngày 9.1, cùng lúc với vụ anh em nhà Kouachi bắt giữ con tin tại Dammartin-en-Goele, cách Paris khoảng 40 km, Coulibaly và bạn gái là Hayet Boumddiene đã bắt giữ nhiều con tin tại một tiệm tạp hóa ở đông thủ đô. Kết quả là 4 người thiệt mạng.
Amedy Coulibaly (phải) nghi phạm bắn chết nữ cảnh sát ở Montrouge và thực hiện vụ bắt cóc tại Paris cùng đồng phạm Hayet Boumddiene.
Bình luận về sự việc trên, Tướng Michael Hayden, cựu giám đốc CIA, cho rằng ngay sau khi sự việc xảy ra, giới chức cần kiểm tra ngay các cơ sở dữ liệu, để xác định các đối tượng tiềm ẩn khác, từ đó tránh những điều đáng tiếc xảy ra. "Lúc nào cũng vậy, bạn chắc chắn phải có thông tin gì đó", ông nói.
Tương tự như trường hợp anh em nhà Kouachi, giới tình báo cũng đã nắm hồ sơ của Coulibaly, kẻ từng nhiều lần ra tù vào tội, đã cải sang đạo Hồi và trở thành phần tử cực đoan khi đang ngồi tù với tội danh cướp có vũ trang vào năm 2005. Tại đây, hắn làm quen với Cherif Kouachi.
Tổng cục Tình báo Nội địa Pháp (DCRI) được đánh giá là cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả nhất châu Âu. Nhiều quốc gia trong EU từng thừa nhận học tập mô hình tổ chức và hoạt động của DCRI. Vì vậy, vụ thảm sát Charlie Hebdo và hai vụ bắt con tin hôm qua dấy lên mối lo ngại về an ninh nói chung của khối trước nguy cơ khủng bố cực đoan.
"Nếu như ngay cả người Pháp cũng không thể giám sát và ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan, thì những đối tượng này các khu vực khác ở châu Âu càng chẳng cần sợ gì hết", Reuel Gerecht, cựu quan chức Tổ hành động của CIA, nhận định.
Theo Wall Street Journal, một loạt vụ tấn công trên cho thấy giới chức Pháp đang phải đối diện với một mạng lưới phần tử khủng bố cực đoan rộng lớn. Trong bài phát biểu hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cảnh báo sẽ còn nhiều vụ tấn công mà quốc gia này phải đối mặt.
Thẩm phán Jean-Louis Bruguière, cựu cố vấn tổng thống về vấn đề khủng bố, cho rằng sự chủ quan của giới an ninh và tình báo Pháp cho thấy hệ thống này cần được cải tổ trên phạm vi rộng. "Đây là quá trình mất thời gian, nhưng chúng ta cần phải làm cho đúng", ông nói.
Hợp tác tình báo Pháp - Mỹ không hiệu quả
Tình báo Mỹ từng cảnh báo với Pháp về hai anh em nhàKouachi, nhưng Paris đã không coi trọng đúng mức thông tin trên. Ảnh: AP |
Các vụ thảm sát vừa qua cũng dấy lên nghi vấn về hiệu quả hợp tác giữa cơ quan tình báo Pháp và Mỹ. "Những sai lầm vừa qua khiến người ta không thể không đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải là sự thất bại lớn của quan hệ hợp tác tình báo Pháp - Mỹ", cây bút Steven Erlanger của New York Times bình luận.
Hai đối tác quan trọng nhất của CIA tại châu Âu trong lĩnh vực chống khủng bố là DCRI và Cơ quan Tình báo Nội địa Anh (MI-5). Tuy nhiên, Washington chỉ có lợi thế trong việc ngăn chặn thông tin tình báo, nhưng không có khả năng giám sát độc lập các phần tử cực đoan tại châu Âu.
Cơ chế miễn thị thực trong Liên minh châu Âu (EU) cũng tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho các phần tử khủng bố, từ đó gây khó khăn cho các cơ quan tình báo Mỹ trong triển khai hoạt động. Nếu như không có sự phối hợp của các cơ quan tình báo châu Âu, Washington không thể nhận biết và giám sát các phần tử cực đoan khả nghi, đặc biệt trong bối cảnh số lượng người nhập cư từ Bắc Phi ngày càng tăng cao.
Từ nhiều năm trước, anh em nhà Kouachi từng được các cơ quan tình báo Mỹ và Pháp đưa vào diện đối tượng cần đặc biệt theo dõi. CIA thậm chí còn đưa tên hai nghi phạm này vào danh sách cấm bay của Mỹ. Nhưng theo ông Brisard, nhà Kouachi từng bị theo dõi một thời gian, nhưng sau được nhận định là không còn nguy hiểm nữa, nên tình báo Pháp chuyển sự chú ý sang các đối tượng khác.
Tình trạng phối hợp không ăn ý giữa hai cơ quan tình báo từng xảy ra trong vụ tấn công khủng bố tại miền tây nam nước Pháp năm 2012 khiến 7 người thiệt mạng. Trước đó, tình báo Mỹ từng cảnh báo các đồng nghiệp Pháo về hung thủ Mohammed Merah, kẻ từng đến Afghanistan và có mối liên hệ với Al-Qaeda. Tuy nhiên, thông tin trên đã không được Paris đặc biệt chú ý.
"Vấn đề tương tự có thể đã xảy ra trong trường hợp Said Kouachi. Chúng ta biết là đã có sai lầm, nhưng chúng ta cần tìm ra lý do", nhà phân tích quân sự Francois Heisbourg cho biết. "Hiểu về nguyên nhân giúp chúng ta đảm bảo rằng điều tương tự sẽ không xảy ra nữa và để tiếp tục cải tiến hệ thống".