Hộp đen là thiết bị cất giữ số liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái, chìa khoá quan trọng có thể cho biết điều gì đã xảy ra với phi cơ. Sau quá trình tìm kiếm hộp đen khó khăn và tốn kém trogn tai nạn máy bay AF447 trên Đại Tây dương, cũng như vụ biến mấy bí ẩn của chuyến bay MH370 đầu năm nay, vấn đề này ngày càng cấp thiết.
Theo ý tưởng mà Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) từng đưa ra trong nhiều năm, các máy bay thương mại sẽ được trang bị loại hộp đen có thể tách ra khỏi máy bay và trôi nổi trên mặt nước khi gặp nạn, thay vì chìm như cách thông thường. Đề xuất này sẽ trở lại trong các chương trình nghị sự vào tháng 2 năm nay.
Thiết kế của một chiếc hộp đen thông thường. Ảnh: Electronics
Sau trường hợp phi cơ MH470 của Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3 năm ngoái, ICAO mong muốn phát triển một hệ thống toàn cầu nhằm cải thiện khả năng lần theo dấu vết của máy bay, nhanh chóng tìm ra vị trí xảy ra tai nạn. Một đại diện giấu tên của ICAO nhận định, đã đến lúc các thiết bị thu dữ liệu, loại có thể có thể tách rời khỏi máy bay khi gặp sự cố, được quan tâm nghiêm túc hơn.
Theo một quan chức khác của tổ chức này, sự quan tâm của công chúng trong thời gian qua cũng là yêu tố động lực và tạo đà ủng hộ cho ý tưởng lắp đặt thiết bị này trên phi cơ thương mại.
"Tôi cho rằng mọi người đã có thái độ tích cực hơn sau một số vụ tai nạn trong thời gian gần đây", người này nói, nhắc đến trường hợp của hãng hàng không AirAsia mới đây và của Air France năm 2009. Hộp đen của máy bay Air France được tìm thấy tận hai năm sau đó.
Năm 2012, cơ quan quản lý dữ liệu chuyến bay của ICAO đưa ra dự thảo tiêu chuẩn mới với mục tiêu đơn giản hóa quá trình tìm kiếm và xác định vị trí gặp nạn. Thiết bị thu dữ liệu có thể tách rời là một trong nhiều lựa chọn được đưa ra. Tuy nhiên, Ủy ban Điều hướng Hàng không của ICAO cho rằng tiêu chuẩn này cần được xem xét lại.
Anthony Philbin, người phát ngôn của ICAO, cho rằng bản thảo đã được trả lại vào các năm 2012 và 2013 vì tính chất phức tạp của vấn đề.
ICAO được thành lập năm 1947, có trụ sở tại Montreal, Canada. Đây là một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm soạn thảo và đưa ra các quy định về hàng không trên toàn thế giới.
Trong ảnh là một phần của đuôi máy bay QZ8501 chìm dưới biển Java. Các nhà điều tra hy vọng có thể sớm tìm ra hộp đen để làm sáng tỏ nguyên nhân thảm họa với phi cơ của AirAsia. Ảnh: AP
Chi phí sản xuất
Thiết bị lưu trữ dữ liệu có thể tách rời là phát minh của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Canada vào những năm 1960. Chúng được lắp đặt trên máy bay chiến đấu, trong đó bao gồm F/A-18 của Hải quân Mỹ hay những loại nhỏ hơn như máy bay trực thăng.
Bộ phận thu dữ liệu quân sự tách khỏi máy bay và nổi trên mặt nước, phát tín hiệu vị trí cho các vệ tinh tìm kiếm và cứu hộ. Trong khi đó, thiết bị trên máy bay thương mại sẽ chìm xuống biển. Ở dưới nước, chúng chỉ có thể được phát hiện ở khoảng cách gần.
Trên mỗi phi cơ thương mại hiện đại đều có hai bộ phận thu cố định, cùng được gọi là hộp đen, gồm Máy ghi âm buồng lái (CVR) và Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR).
Hộp đen tự tách rời cũng được lắp ở phần đuôi và có thể thay thế một thiết bị. Tuy nhiên, công nghệ này chưa được thử nghiệm trên phi cơ thương mại vì lý do thiếu chi phí cũng như ý chí chính trị.
Người phát ngôn của Honeywell International Inc, một trong những nhà cung cấp hộp đen lớn nhất thế giới, cho biết họ không sản xuất loại hộp đen có thể tách rời vì chưa có nhu cầu từ khách hàng. Mỗi máy ghi âm dữ liệu thông thường trên máy bay của Honeywell có giá từ 13.000-16.000 USD, trong khi loại tách rời có giá ít nhất 30.000 USD.
Theo Blake van den Heuvel, giám đốc các chương trình hàng không của công ty DRS Technologies, Italy, chi phí cho bộ phận tách rời cao hơn đặt ra vấn đề đối với nhà sản xuất máy bay cũng như tổ chức quản lý.