Khởi đầu là quyết định của Ngân hàng Nhà nước khi chấp thuận thêm tám ngân hàng (NH) thương mại là Eximbank, BaoViet Bank, SCB, PvcomBank, TPBank, OCB, VPBank, SeABank được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/2013 và Nghị quyết 61/2014 của Chính phủ.
Mới đây Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết năm 2015 sẽ có tám dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 708.000 m2 sàn và 24 dự án hoàn thành sau năm 2015, với 2,5 triệu m2 sàn. Tương tự, Sở Xây dựng TP.HCM cũng vừa công bố thêm 376 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được đầu tư bằng vốn ngân sách thuộc bốn dự án trên địa bàn quận 6, 8, Gò Vấp và Tân Bình.
Không chỉ những dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách, nhiều dự án của tư nhân có giá thành dưới 1 tỉ đồng và dưới 15 triệu/m2 sẽ được vay gói 30.000 tỉ đồng liên tục được rao bán. Chẳng hạn, BĐS An Gia chính thức mở bán căn hộ Angia Star tại quận Bình Tân, thông qua sự ký kết của các NH VietinBank, BIDV... Hàng loạt căn hộ Ehome của Nam Long đã được Vietcombank chấp thuận cho vay từ gói ưu đãi lãi suất này. Riêng tại Vietcombank hiện nay đang ký kết để hỗ trợ vốn nhà ở thu nhập thấp hàng loạt các dự án Viglacera tại khu đô thị Đặng Xá, nhà ở xã hội của Vinaconex tại Sài Đồng, tổ hợp chung cư của Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm…
Trước đó vào ngày 1-1-2015, tại buổi tọa đàm chọn căn hộ giá rẻ gói 30.000 tỉ đồng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng khẳng định hiện nay các doanh nghiệp BĐS tham gia xây dựng nhà ở giá thấp rất nhiều và cạnh tranh rất mạnh mẽ. Chính vì thế người được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng vì sản phẩm này có tỉ suất lợi nhuận thấp nhất trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS.
Ngoài ra, Thông tư 17/2014 (bổ sung và sửa đổi Thông tư 07,18/2013) của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ 25-11-2014, đã mở rộng đối tượng được vay gói 30.000 tỉ đồng. Theo đó không chỉ để mua căn hộ giá thấp NH còn cho vay để xây dựng nhà ở. Nếu người dân đã có đất cũng có thể vay.
Theo các chuyên gia, năm 2015 thị trường nhà ở giá thấp sẽ rất hấp dẫn và sôi động.