Điều tra được thực hiện tại trên 400 DN, trong đó có 390 DN trả lời thông tin đầy đủ và có chất lượng để xử lý, phân tích và đánh giá. Theo kết quả điều tra, DN 100% vốn nhà nước nhìn chung chưa có sự minh bạch.
Hầu hết các DN đều không công khai các chính sách quản lý rủi ro, các giao dịch cả nội bộ và bên ngoài, lương thưởng... Nhiều DN đã không thực hiện cả nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ và bắt buộc cho cơ quan đăng ký kinh doanh, khiến cơ quan này không thực hiện được vai trò "hậu kiểm".
Kết quả điều tra còn phản ánh một thực tế là các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay vẫn đang kiêm nhiệm chức năng quản lý nhà nước, chưa có sự tách bạch giữa vai trò của một nhà đầu tư chuyên nghiệp với vai trò quản lý nhà nước và điều tiết thị trường.
Nhà nước đã không thực thi hết trách nhiệm, buông lỏng trong thực thi quyền giám sát, không có vai trò trong giám sát hoạt động kinh doanh nói chung của DN và của lãnh đạo DN. Hội đồng quản trị của DNNN không được giao nhiệm vụ rõ ràng và chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả kinh doanh của DN...
Kết quả điều tra cũng cho thấy, công tác giám sát việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, DNNN quy mô lớn, độc quyền có quá nhiều yếu kém và bất cập. "Chúng ta có nhiều bộ ngành giám sát hoạt động của DNNN, tập đoàn kinh tế nhưng lại không biết giám sát như thế nào, cuối cùng là không ai giám sát" - TS Trần Tiến Cường -Trưởng ban Phát triển DN của CIEM nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Phúc - ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, đã đến lúc VN cũng phải minh bạch hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước trong các DNNN, tập đoàn kinh tế lớn.
Mai Hương