Dân Việt

Triển khai công tác khuyến nông 2015: Hướng về sản phẩm có ưu thế

Trần Quang 10/01/2015 13:53 GMT+7
Đó là khẳng định của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) tại hội nghị “Tổng kết công tác hoạt động khuyến nông T.Ư năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015” vừa diễn ra tại Hà Nội. 

Tập trung vào khuyến nông cộng đồng

Ông Thông cho biết, trong năm 2014, TTKNQG đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đổi mới hoạt động theo hướng bám sát yêu cầu thực tiễn, nhờ đó lĩnh vực khuyến nông đã ghi được nhiều dấu ấn. Trong đó, năm 2014 TTKNQG đã tập trung vào những cây trồng, vật nuôi và tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm nhằm tạo ra sự bứt phá trên diện rộng, thay vì làm dàn trải như trước đây. Trong đó một số mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt như chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang các cây trồng mới có hiệu quả; trồng rau theo quy trình VietGAP; chăn nuôi bò, lợn chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo... “Đặc biệt, chúng tôi đã gắn chặt hoạt động khuyến nông với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần giúp các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân cũng như sớm hoàn thành các tiêu chí” – ông Thông nói.

img
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT tham quan mô hình nuôi gà lông màu của gia đình ông Nguyễn Đình Thiện ở xã Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang).  

Bên cạnh đó, trong xây dựng mô hình trình diễn, TTKNQG cũng chú trọng vào những gói tiến bộ kỹ thuật có chiều sâu chứ không làm đơn lẻ, ví dụ như mô hình áp dụng kỹ thuật đồng bộ trong canh tác mía phục vụ chế biến đường công nghiệp (giai đoạn 2014 – 2016). Chỉ sau 1 năm thực hiện, dự án đã triển khai được 9 mô hình tại 9 tỉnh với diện tích mía 135ha, năng suất bình quân ước đạt từ 75 - 100 tấn/ha, chữ đường CCS vượt mức trên 11. Tương tự, dự án xây dựng mô hình sấy lúa tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (2013-2015) cũng đã góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch xuống còn 7 - 10%...

 

“Đặc biệt là TTKNQG đã chú trọng hơn đến công tác khuyến nông cộng đồng. Thay vì làm trên quy mô từng hộ, chúng tôi tổ chức các hoạt động khuyến nông theo nhóm hộ, hay một mối liên kết gồm cả người sản xuất, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhằm kết nối nông dân lại để sản xuất theo chuỗi, tạo ra các mô hình cánh đồng mẫu có giá trị kinh tế cao” – ông Thông cho biết thêm.

Tiếp cận khuyến nông điện tử

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG cho biết, một trong những bước đột phá của hoạt động khuyến nông năm 2014, đó là đã từng bước tiếp cận với tập huấn khuyến nông điện tử. Theo đó, nhiều bộ tài liệu, tiến bộ kỹ thuật, đĩa hình đã được trung tâm cập nhật liên tục trên website khuyennongvn.gov.vn, điều này vừa giảm chi phí in ấn, vừa giúp bà con có thể truy cập và tham khảo tài liệu một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Về nhiệm vụ năm 2015, ông Phan Huy Thông khẳng định TTKNQG sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trung tâm sẽ xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án khuyến nông T.Ư, tập trung vào các sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh và có công nghệ tiên tiến, có thị trường tốt, bứt phá về năng suất, chất lượng và có hiệu quả kinh tế trên phạm vi rộng; triển khai thí điểm một số dự án theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) đối với sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện gắn với thực tiễn sản xuất...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NNPTNT về tái cơ cấu ngành, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông, năm 2015 TTKNQG cần tiếp tục giữ vững vai trò “đầu tàu” trong việc phát huy sức mạnh liên kết trong hệ thống khuyến nông từ T.Ư đến địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển giao, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành. Hoạt động khuyến nông thường xuyên cần có sự đổi mới toàn diện từ tuyên truyền đến hình thức tài liệu cấp phát, hội nghị, hội thảo, mô hình trình diễn, cũng như tập trung đào tạo cho đội ngũ khuyến nông viên...


 Năm 2014, tổng kinh phí cho hoạt động khuyến nông là 240 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2013, trong đó TTKNQG được Bộ NNPTNT giao chủ trì và quản lý 26 dự án, nhiệm vụ khuyến nông T.Ư, với tổng kinh phí 102 tỷ đồng.