Đề án mang lại hiệu quả thiết thực
Ông Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiệp vụ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hậu Giang cho biết: “Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã lập hồ sơ đề nghị xử lý và thực hiện khoanh nợ, xóa nợ đối với các khoản nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc nguồn vốn T.Ư cho hơn 5.000 món nợ với số tiền gần 18,2 tỷ đồng”. Tất cả các đơn vị trực thuộc chi nhánh đều có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% (thấp hơn chỉ tiêu nợ quá hạn cho phép). Số nợ quá hạn giảm trong thời gian triển khai thực hiện đề án (2012 – 2014) là 69,2 tỷ đồng.
Về hiệu quả xã hội của vốn vay, ông Nguyễn Thanh Triều – Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hậu Giang nhận định: “Sau 3 năm, chi nhánh đã góp phần cùng địa phương giúp cho 16.300 hộ thoát nghèo và 7.636 hộ thoát cận nghèo. Ngoài ra, các chương trình tín dụng đã giúp 4.500 lao động có việc làm; khoảng 15.000 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 2.000 hộ gia đình được vay vốn mua nhà ở trả chậm trong khu vượt lũ; 25.000 hộ vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng
Về những nội dung ngân hàng cần điều chỉnh, ông Nguyễn Thanh Triều cho rằng: “Trong thời gian tới, cần tích cực, chủ động phối hợp và lôi cuốn cán bộ các cơ quan, đoàn thể và chính quyền quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt. Cần tăng cường thông tin hai chiều, tăng cường công tác giám sát và tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ tiết kiệm - vay vốn. Thường xuyên rà soát, phân tích nợ và kịp thời làm các thủ tục xử lý nợ rủi ro theo quy định”.
Để việc triển khai đề án tiếp tục có hiệu quả, ông Triều nêu ý kiến: “Cần tiếp tục triển khai chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (giai đoạn 2), vì chương trình này thực sự phát huy hiệu quả, góp phần giúp hộ nghèo được “an cư, lạc nghiệp”, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho trưởng ấp vì trưởng ấp giữ vai trò quan trọng trong khâu quản lý nguồn vốn tại cơ sở”.