Lò đào tạo khủng bố ở Yemen có khi núp bóng dưới một trại lính, hoặc một trường học tôn giáo, đôi khi đơn giản chỉ là những ngôi nhà xập xệ trông có vẻ giống “ổ chuột”… nhưng thứ không thể thiếu bên trong là máy tính và mạng Internet. Vậy ở quốc gia Trung Đông này có bao nhiêu lò đào tạo giết người và đang có bao nhiêu kẻ cuồng tín bị mê muội?
Internet lợi hại hơn súng
Yemen là một trong những nước nghèo nhất Ả Rập, đang được coi là “cái nôi” ươm mầm tội ác khủng bố, nơi mà chủ nghĩa khủng bố đang âm thầm phát triển và truyền cảm hứng cho những phần tử thánh chiến khác ở nhiều nước trên thế giới.
Chính phủ Yemen đã thất bại trong việc thực thi quyền lực, đặc biệt từ sau vụ từ chức của Chính quyền Ali Abdullah Saleh vào hồi tháng 2.2012. Lợi dụng những điểm yếu này ở Yemen, chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập đã tìm thấy đây là nơi trú ẩn an toàn và là nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho tội ác mà thế giới bên ngoài khó lòng tiếp cận.
Không chỉ đào tạo các phiến quân thánh chiến nội địa, trải qua thời gian, các lò đào tạo khủng bố ở Yemen đã xuất hiện rất nhiều ngoại binh. Hãng tin ABC của Australia đã từng được một nhân viên tình báo Ả Rập cung cấp thông tin rằng, người này đã nhìn thấy một số công dân Australia trong các trại huấn luyện khủng bố của al-Qaeda ở Yemen. Cơ quan Tình báo Australia đã liệt kê khoảng 20 công dân nước này nằm trong diện tình nghi, vì những người này đã biến mất bí ẩn ngay sau khi đi du lịch tới Yemen. Nhân viên tình báo này cho biết, các công dân Australia phải trải qua tất cả các loại hình đào tạo, từ nghiên cứu Hồi giáo, nghiên cứu và sử dụng vũ khí, đặc biệt là chất nổ. Ngoài ra, điều không thể thiếu trong các lò đào tạo khủng bố ở Yemen là các lớp học được trang bị máy tính có kết nối Internet. Anwar Al Awlaki- nhân vật quyền lực thứ hai ở al-Qaeda sau Osama Bin Laden đã từng tuyên bố rằng, Internet có sức mạnh hơn súng.
Vì sao Pháp bỏ lọt khủng bố?
Trở lại với vụ việc vừa diễn ra ở Pháp. Cherif Kouachi- một trong số những kẻ khủng bố gây ra vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo đã từng được đào tạo ở một trong số các lò khủng bố ở Yemen hồi tháng 7.2011. Cơ quan An ninh Pháp đã biết rõ điều này, tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi, an ninh Pháp đã loại bỏ các mối nguy hiểm từ Cherif Kouachi.
Theo báo Ha'aretz của Israel, lý giải cho việc từ bỏ giám sát anh em nhà Kouachi, an ninh Pháp cho rằng, với 1.300 công dân Pháp đã tới Syria, Iraq để chiến đấu cùng các nhóm Hồi giáo và hàng nghìn phần tử thánh chiến tiềm năng sinh sống ở Pháp, chính quyền không có đủ nhân lực để theo dõi hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đó chưa phải là nguyên nhân chính, điều quan trọng là Pháp đã không ý thức được hết mối đe dọa. Ngoài ra, Pháp đã không quan tâm tới thế hệ chiến binh thánh chiến cũ. Cherif Kouachi là học trò của Farid Benyettou - một kẻ truyền giáo cực đoan trẻ tích cực hoạt động trong suốt thập niên qua ở quận 19 của Paris và từng cùng với Kouachi tham chiến tại Iraq. Anh em Kouachi còn tiếp xúc với Djamel Beghal, một đối tượng lớn tuổi và từng là thành viên al-Qaeda từ thời sơ khai của tổ chức này, thậm chí trước khi diễn ra vụ khủng bố 11.9 tại Mỹ.
Năm 2005, Beghal bị kết án 10 năm tù giam, nhưng tiếp tục gây ảnh hưởng tới những thanh niên Hồi giáo khi ở trong tù và trong thời gian bị quản thúc tại gia sau đó. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, chính quyền Pháp dường như đã tập trung vào thế hệ thánh chiến mới đang hướng tới Syria và bỏ qua mối đe dọa cực đoan.
Chưa hết, sự hình thành các nhóm cực đoan trong tù là mối nguy hiểm mà Pháp chưa lường hết. Vào cuối những năm 1980, Pháp thông qua một đạo luật cho phép chính quyền bỏ tù bất kỳ đối tượng nào bị tình nghi có liên hệ với những nhóm "có kế hoạch khủng bố", ngay cả khi bản thân những người này không làm gì. Theo đó, gần như lúc nào cũng có ít nhất 100 đối tượng bị bỏ tù, trong số này có cả Cherif Kouachi. Trong tù, những kẻ này đã có mối liên hệ với nhau và hình thành các nhóm Hồi giáo cực đoan, luôn ấp ủ các âm mưu “thánh chiến”. Sau thời gian giam giữ, những kẻ này thường bị quản thúc tại gia song điều này không ngăn được chúng liên lạc với đồng bọn bằng những trao đổi trên Internet.