Đặt chân lên đất khách quê người, chàng trai 25 tuổi của đất cảng Hải Phòng đã không ngại ngần bươn chải để mưu sinh bằng đủ nghề, kể cả những công việc lao động chân tay và tranh thủ học tập, hoàn thiện vốn ngoại ngữ để có thể hòa nhập nhanh chóng với cuộc sống của người dân bản địa.
Những nỗ lực đã được đền đáp, năm 1985, với số vốn tích cóp được sau một thời gian làm việc chăm chỉ, ông quyết định thành lập một công ty riêng chuyên xuất nhập khẩu hàng hải sản và dệt may. Đối với ông Nguyễn Tài Phương, đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi chuyển từ một người làm công trở thành người làm chủ. Sự nhạy bén trong kinh doanh kết hợp với bản tính cần cù vốn có đã nhanh chóng mang lại cho ông những thành công trên thương trường Mỹ.
Và không quên lời hẹn thầm với quê hương, năm 1988, người con của thành phố Hoa phượng đỏ trở lại đầu tư vào Việt Nam. Đây là một quyết định được cho là vô cùng dũng cảm đối với bất kỳ doanh nhân nào, vì lúc bấy giờ, công việc kinh doanh tại Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn và rào cản do lệnh cấm vận của Mỹ chưa được dỡ bỏ. Ông Phương đã vạch ra nhiều kế hoạch nhằm đóng góp phần nào vào sự phát triển của đất nước.
Ngoài việc đưa về nước công nghệ phủ sóng vệ tinh tiên tiến nhất giúp sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phủ khắp toàn quốc đầu những năm 1990, một trong những dự án đáng chú ý mà doanh nhân kiều bào này đã thực hiện là xây dựng Trường Cao đẳng Duyên hải TP.Hải Phòng, được triển khai từ năm 2000. Sở dĩ ông Phương thực hiện dự án này là vì mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau. "Nếu không có một nền giáo dục, một cơ sở hạ tầng giáo dục tốt, thì năng lực đóng góp của các thế hệ sau cũng sẽ bị hạn hẹp", ông Nguyễn Tài Phương nói.