Quy định này là hoàn toàn đúng đắn. Công ty tôi không thấy có vấn đề khó khăn gì khi thực hiện, bởi hiện công ty còn thực hiện nhiều quy định khắt khe hơn khi xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài. Các nước Mỹ, Nhật khi chúng tôi xuất hàng qua nước họ không chỉ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo một tiêu chí quan trọng khác là về lao động.
Nếu lao động bị bóc lột hay không được chăm sóc đầy đủ thì họ sẽ không nhập khẩu hàng... Chính vì thế, hiện hơn 2.500 lao động đang làm việc tại Công ty Thuận Phước dù nhiều lúc đối tác chậm trả tiền, công ty cũng luôn trả lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lao động đầy đủ, kịp thời.
Ông Trần Văn Lĩnh -Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng)
Công nhân họ làm việc cả tháng với mong muốn nhận được đồng lương để trang trải cuộc sống gia đình, mà doanh nghiệp nợ lương nửa tháng thì họ lấy gì mà sống. Do vậy, việc xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp và bắt buộc trả lãi cho công nhân trong trường hợp chậm lương là đúng đắn. Những người làm ăn chân chính nào cũng nhất trí quy định này.
Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tuấn Đạt (Quảng Nam)
Lâu nay không ít doanh nghiệp cố tình “cù cưa” trong khâu thanh toán tiền lương cho công nhân, đẩy người lao động vào cảnh khó khăn nhiều hơn. Việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động là rất phù hợp trong thời điểm hiện nay. Cần phải có một chế tài như thế với người sử dụng lao động, nhằm tránh để người lao động bị bóc lột sức lực, trong khi tiền thù lao thì nhận ít ỏi, nhỏ giọt, bị trả chậm trễ.
Công nhân Trần Văn Hoàng (Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM)
Tôi làm công nhân may tại Khu kinh tế Dung Quất được 3 năm, đã bị trả lương tháng trễ 20-30 ngày cả chục lần. Có lần tôi bị nợ lương hơn 2,5 tháng. Nếu bây giờ có quy định mới xử phạt doanh nghiệp nợ lương thì công nhân chúng tôi quá mừng.
Công nhân Nguyễn Thị Thủy (Tịnh Giang, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)