Đầy thông tin sai trái
Gần đây nhất, trên mạng lây lan những thông tin về việc một cán bộ lãnh đạo bị đầu độc, sau đó trải qua cơn thập tử nhất sinh. Thông tin này được đăng tải gần như liên tục, sau đó lan truyền với tốc độ chóng mặt từ một trang web mang tên “chandung...”. Thực tế mà nói, cơn bão thông tin “đen” không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước với những thông tin không kiểm chứng với mục đích gây hoang mang dư luận, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo.
Mức độ thông tin được đưa dày đặc và đáng báo động đến mức ngay trong cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tháng 12.2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã phải thốt lên: Cứ chuẩn bị đến Đại hội Đảng là lại rộ lên những thông tin xuyên tạc, nói xấu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tâm sự: “Thông tin xuyên tạc cán bộ đã gây dư luận không tốt, khiến anh em phân tâm”. Ông tỏ ra lo lắng trước sự tràn lan của thông tin “đen” trên mạng: Quân đội có giáo dục chiến sĩ nhưng khi họ về nhà, lên mạng đọc thì cũng khó kiểm soát lắm. Với người lính bảo vệ biên giới mà đọc những thông tin xuyên tạc thế này thì rã rời tinh thần. Vì thế, chúng ta cần có biện pháp kiểm soát chặt chứ không nên thả nổi như hiện nay.
Chia sẻ tâm tư với người đồng cấp, người đứng đầu Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang phân tích thêm: Thông tin trên mạng rất phong phú, đa dạng, có cả tốt cả xấu, nhưng hết sức chú ý tránh những luận điệu sai trái, thù địch, đả kích, bôi nhọ, chia rẽ nội bộ. Có rất nhiều loại thông tin như thế, gây tác động rất xấu trong nội bộ, cần lên án và ngăn chặn, giảm thiểu sự tác động độc hại.
Ông cũng kiến nghị các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo báo chí trong khi thông tin tuyên truyền cần chủ động định hướng dư luận, đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu sai trái thù địch và những quan điểm thiếu tính xây dựng.
Thách thức với cả thế giới
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thừa nhận: “Không chỉ riêng với Việt Nam mà hiện nay với tất cả các nước trên thế giới, vấn đề này đang là một thách thức rất lớn. Ngay như ở Trung Quốc, họ không cho bất kỳ một người hay một tổ chức nào được truy cập vào các trang mạng quốc tế, nhưng họ có các mạng thay thế. Còn Việt Nam hiện nay chưa có mạng thay thế, chúng ta tiếp cận với nhiều nguồn thông tin trên toàn thế giới nên mới quản lý được những trang mạng, những tổ chức cá nhân sử dụng tên miền đặt tại Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi “Sự phát triển như vũ bão của những trang mạng xã hội của nước ngoài tại Việt Nam cũng gián tiếp làm lan truyền những thông tin xuyên tạc đó. Vậy Bộ có những biện pháp nào trước mắt để ngăn chặn, hạn chế điều này”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định: Với những trang mạng mang tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài thì chúng ta chỉ có thể ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật chứ chưa có giải pháp nào để ngăn chặn triệt để thông tin từ nguồn này. Cái này là thách thức không chỉ với chúng ta mà với cả những nước có nền công nghệ thông tin phát triển như Mỹ, Nga. Như vừa rồi Tổng thống Nga cũng bị tin tặc tấn công trang mạng cá nhân.
Về các giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Để ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của những thông tin xuyên tạc, sai sự thật này, chúng ta cần tăng cường, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân và các tổ chức trong việc chọn lựa thông tin, không truy cập vào những trang mang nội dung phản động, xuyên tạc chế độ, nói xấu Đảng, Nhà nước… Còn với những cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chúng ta yêu cầu các tổ chức, đơn vị này phải có cơ quan đại diện tại đây để trong trường hợp xảy ra những sự cố về thông tin, họ sẽ phải cùng với cơ quan chức năng Việt Nam làm lành mạnh hóa thông tin, gỡ bỏ những thông tin sai trái, xuyên tạc.