Xương sáo là loại cây mọc hoang, cao ngang đầu gối người lớn, lá màu xanh mọc đối, hai mặt lá đều có lông, mép lá có răng cưa, bông màu hồng nhạt, quả nhỏ hình trứng.
Ly xương sâm, xương sáo (Ảnh: Minh Thương)
Người bình dân xứ này dùng thân và lá xương sáo say thành bột, thêm nước nấu kỹ, lọc lấy nước, thêm ít bột mì rồi nấu cho sôi lại, để nguội được một thứ keo đặc nhưng mềm, màu đen gọi là lương phấn để cho mau đông và giòn, có khi người ta nấu còn thêm ít nước tro.
Ổ xương sâm, xương sáo (Ảnh: Minh Thương)
Còn xương sâm là loài dây xanh leo, dây xanh ba nhị… Loài dây này có lá màu lục đậm, phiến xoan, dài cỡ tấc. Cụm hoa vàng mọc ở nách lá hay ở thân già, có lông mịn. Dân gian hái lá xương sâm dùng tay vò nát trong chậu nước lạnh, lược bỏ xác để một thời gian chất nước này sẽ kết đông và có màu xanh lá cây. Theo kinh nghiệm, xương sâm có hai loại là xương sâm lông (lá và dây có lông tơ mịn) và xương sâm lá láng (lá trơn nhẵn, không lông), trong đó xương sâm lông cho đông mịn và ngon hơn xương sâm láng.
Xương sâm, xương sáo đều được đổ trong những thau nhôm lúc chế biến. Khi chúng đặc thì trút ra ngâm trong nước lạnh. Nước đường thắng hoặc keo đường cát để kế bên, có người gọi mua, người bán nhanh tay cắt từng miếng nhỏ cho vô ly rồi chan nước đường, thêm ít nước đá đập nước là… người thưởng thức sẽ khoan khoái giữa cái nắng chói chang ngày hè.
Xương sáo, xương sâm còn có tác dụng giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.
(Có người viết là sương sâm, sương sáo. Ở đây chúng tôi ghi theo cách phát âm của người dân miền Tây Nam bộ).