Dân Việt

Tại sao tiền bồi thường cho nạn nhân QZ8501 chỉ bằng một nửa MH370, MH17?

Phương Đăng 15/01/2015 20:31 GMT+7
Gia đình các nạn nhân máy bay QZ8501 được công ty bảo hiểm Allianz đề nghị khoản bồi thường ban đầu chỉ bằng một nửa so với thảm kịch MH370 và MH17. Tại sao lại có sự chênh lệch này khi Allianz là nhà bảo hiểm chính cho các chuyến bay của hãng hàng không AirAsia cũng như Malaysia Airlines.
img

 
Thân nhân các hành khách máy bay QZ8501 tại sân bay quốc tế Juanda, ở Surabay, Indonesia.

 Allianz chịu trách nhiệm thanh toán khoản bồi thường ban đầu cho gia đình các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia cũng như thân nhân của các nạn nhân trên chuyến bay MH370 và MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo đó, khoản thanh toán ban đầu nhằm an ủi gia đình các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 là 24.000 USD - chưa bằng một nửa so với khoản bồi thường ban đầu mà gia đình các nạn nhân thảm kịch MH17, MH370 nhận được.

Luật sư hàng không hàng đầu James Healy-Pratt nhận định, rõ ràng, gia đình các nạn nhân vụ QZ8501 đã được bồi thường ít hơn nếu so với hai thảm kịch máy bay vừa xảy ra năm ngoái, MH370, MH17.

"Tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho các gia đình nạn nhân rằng, tại sao hãng AirAsia và Công ty Bảo hiểm Hàng không London (Allianz) cung cấp khoản bồi thường cho các gia đình nạn nhân máy bay QZ8501 chỉ bằng một nửa so với thảm kịch MH370, MH17 trước đó.

Đi giá rẻ  phải chấp nhận bồi thường thấp?

Theo luật sư James Healy-Pratt, một số lượng lớn các gia đình đã từ chối lời đề nghị bồi thường trên. Và nhiều gia đình đang chia sẻ chung cảm giác, dù AirAsia là hãng hàng không giá rẻ, họ cũng không nên bồi thường ở mức quá thấp so với hãng hàng không Malaysia Airlines.

Luật sư Healy-Pratt đã lên tiếng đề nghị ông Tony Fernandes, chủ sở hữu của AirAsia can thiệp để giải quyết vấn đề này.

"Nếu ông ấy thực sự quan tâm đến gia đình AirAsia QZ8501, lúc này ông ấy nên can thiệp để cung cấp ngay cho gia đình các nạn nhân khoản bồi thường 50.000 USD. Tôi thực sự hy vọng, vì lợi ích của gia đình các nạn nhân thảm kịch QZ8501, đi máy bay giá rẻ sẽ không có nghĩa là chỉ được bồi thường ở mức thấp", ông Healy-Pratt.

img
Một máy bay của hãng hàng không giá rẻ AirAsia.

 

Trong khi đó, công ước Montreal đã quy định khoản bồi thường cuối cùng mà gia đình các nạn nhân trong các tai nạn máy bay có thể nhận được. Khoản bồi thường này rơi vào khoảng hơn 160.000 USD.

 Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, gia đình nạn nhân nhận được khoản bồi thường lớn hơn sau các cuộc đàm phán. Chẳng hạn, các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay năm 2007 của hãng hàng không Adam Air đã được nhận khoản bồi thường 400.000 USD sau các cuộc đàm phán.

Về phần mình, phát ngôn viên cho công ty Allianz hiện vẫn từ chối thảo luận về sự chênh lệch giữa các khoản bồi thường trước cho gia đình các nạn nhân trong các thảm kịch QZ8501, MH370, MH17.

Phát ngôn viên này chỉ nhấn mạnh rằng: "Khoản bồi thường ban đầu đang được chi trả cho gia đình các nạn nhân QZ8501 nhằm hỗ trợ tài chính cho họ trong thời điểm cực kỳ khó khăn này. Chúng tôi sẽ chấp nhận bồi thường thêm sau các cuộc thỏa thuận, tham vấn với tất cả các bên liên quan".

Máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia cất cánh lúc 5h20 ngày 28.12.2014 từ thành phố Surabaya  (Indonesia) và theo dự kiến, phải hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore lúc 8h30 cùng ngày.

Tuy nhiên, chiếc máy bay đã mất liên lạc khi ở giữa cảng Tanjung Pandan của Indonesia và thị trấn Pontianak, phía Tây Kalimantan trên đảo Borneo. Sau đó, chiếc máy bay được xác nhận đã rơi xuống biển Java khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Máy bay QZ8501 chở theo 162 người, trong đó có 2 phi công, 5 tiếp viên và 155 hành khách đến từ nhiều nước khác nhau, bao gồm một người Singapore, một người Anh, một người Malaysia, ba người Hàn Quốc và 149 người Indonesia.

Thảm kịch QZ8501 xảy ra vào những ngày cuối năm 2014 - được cho là năm khủng hoảng của ngành hàng không thế giới khi các vụ tai nạn máy bay thảm khốc liên tiếp xảy ra.

Đặc biệt là hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị mất hai máy bay trong năm này. Chuyến bay MH370 của hãng này đi mất tích cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn ngày 8.3 khi đang thực hiện hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.

Gần 4 tháng sau, ngày 8.3 chuyến bay MH17 của hãng này bị rơi xuống khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine - vùng đang xảy ra chiến sự ác liệt - cướp đi mạng sống của 298 người trên máy bay.