Vào từng ngõ, gõ từng nhà
Từ nguồn kinh phí từ tiểu Dự án Quỹ toàn cầu Vòng 9 phòng chống lao (T.Ư Hội ND), cán bộ hội các cấp đã bắt tay vào tuyên truyền mảng việc khá mới về y tế. Ông Phạm Xuân Lương – Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng cho biết, trước năm 2010, người dân Hải Phòng vẫn còn e ngại với bệnh lao. Mỗi năm, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng chỉ phát hiện và điều trị cho khoảng 1.800-1.900 bệnh nhân, trong đó chỉ 20% là tự phát hiện và chủ động đi điều trị thì hiện tại, nhờ có các hoạt động tích cực của các chi hội ND “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, số người nghi mắc lao đi khám tăng gấp rưỡi.
Tại Đà Nẵng, Hội ND tín chấp cho 21 trường hợp chữa khỏi bệnh vay vốn hơn 400 triệu đồng để tổ chức sản xuất. Ngoài ra, các hội viên câu lạc bộ còn giúp 57 công lao động sửa chữa nhà cho 10 bệnh nhân đang điều trị để họ có yên tâm chữa bệnh. Các mô hình cũng vận động 24 triệu đồng hỗ trợ 60 bệnh nhân mua thẻ BHYT…
Hội ND Khánh Hòa cũng đã vận động hơn giúp đỡ các gia đình bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn để họ có tiền đi điều trị bệnh; giúp đỡ họ vay vốn hơn 1,5 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ sự tích cực, hiệu quả của mô hình phòng chống lao do Hội ND đang duy trì”.
Tiền ít, việc nhiều
Tới thời điểm này, hoạt động phòng chống lao đang ở trong tình trạng “tiền ít việc nhiều”. Ông Đào Nguyễn Vĩnh Yên – điều phối viên tiểu dự án cho biết, năm 2014, nhiều kinh phí dành cho hoạt động của các câu lạc bộ đã bị cắt giảm mạnh. Do đó nhiều hoạt động truyền thông như loa đài, tờ rơi, tờ bướm, băng đĩa… để tuyên truyền kiến thức bệnh lao cũng giảm theo. Ngay cả kinh phí hỗ trợ cho cán bộ đi thăm khám các bệnh nhân cũng bị cắt giảm từ 60.000 đồng/lượt xuống còn 20.000 đồng/lượt. “Tuyên truyền, vận động phòng chống lao, thăm hỏi người bệnh đều cần kinh phí. Việc cắt giảm khiến công việc bị ảnh hưởng” – ông Yên cho biết.
Ngoài ra, cán bộ hội đi vận động cũng gặp nhiều trở ngại. “Bệnh nhân lao/HIV đều là đối tượng nghiện ma túy, có tâm lý bất cần, do đó vận động họ đi điều trị rất khó khăn. Nhiều trường hợp đã đi khám nhưng uống thuốc không đủ liều lượng làm cho bệnh ngày càng trầm trọng, kháng thuốc” – ông Lương chia sẻ. Theo ông Lương, để hoạt động phòng chống lao đối với các bệnh nhân bị lao/HIV thì phải có kinh phí riêng dành cho đối tượng “đặc biệt” này mới tránh được nguy cơ bệnh lao bị lây nhiễm ra cộng đồng.