Đó là cái tên quen thuộc mà nhiều người gọi ông Nguyễn Văn Cảnh (50 tuổi), thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Mỗi năm ông Cảnh thu lãi vài ba trăm triệu đồng từ trang trại nhãn lồng của mình.
Sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên của Chi hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên nói chung và của gia đình ông Cảnh nói riêng đã được đề cử là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tham gia Chương trình “ Tôn vinh sản phẩm tiêu biểu”.
Từ hai bàn tay trắng“Về Hưng Yên là phải nói đến nhãn lồng mà nói đến nhãn lồng thì chắc chắn là phải nhớ tới Hưng Yên”. Đó là quan điểm của ông Cảnh nói riêng và cũng là quan điểm của toàn bộ người dân Hưng Yên nói chung mỗi khi nhắc đến đặc sản, nét đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên.
Ông Nguyễn Văn Cảnh bên trang trại nhãn của mình.
Hơn 20 năm về trước, từ một anh thanh niên trẻ tuổi nuôi chí làm giàu, ông đã luôn nghĩ rằng không cần phải đi đâu xa xôi để thực hiện ước mong đó mà ngược lại ông luôn tâm niệm “mình nhất định sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình với thứ đất đai màu mỡ, phì nhiêu này”.
Ban đầu, với số vốn ít ỏi trong tay, ông đã mạnh dạn thế chấp cả nhà cửa, đất đai để có thể vay tiền của ngân hàng. Sau đó, ông đã tiến hành nhận thầu các vườn của các gia đình xung quanh, thu gom đất, tiến hành dồn điền đổi thửa và tôn tạo nên thành khu trang trại rộng 1 hecta, mua giống để bắt đầu thực hiện ước mơ vượt nghèo, vượt khó của mình.
Bên cạnh đó, ông còn nhận được nhiều sự quan tâm từ Chi hội Nông dân tỉnh Hưng Yên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thời gian đầu, tiền vốn chính là vấn đề đau đầu nhất với ông, bởi lẽ số vốn bỏ ra quá nhiều cộng thêm với việc ông chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng nhãn nên hầu như kinh tế của gia đình ngày càng sa sút. Khó khăn là thế, song chưa một lần nào ông và gia đình có ý định từ bỏ kế hoạch mà mình đang thực hiện.
Ai bảo mất mùa là dễ? Bốn năm đầu tiên, trang trại nhãn của ông chưa cho thu hoạch nên ngoài việc chăm cây, ông còn kết hợp trồng xen canh với đỗ, táo, cam... để lấy ngắn nuôi dài, giúp gia đình có thêm thu nhập.
Nhưng về sau, nhất là từ năm thứ 7 cho đến nay, gia đình ông thu hoạch bắt đầu thấy có lãi và cứ thế, cứ thế số nhân gấp lên và số tiền đầu tư thì ngày càng giảm đi. Từ 3-4 tấn nhãn lồng thu được của những năm nào, giờ đây, con số ấy đã được nhân lên nhiều lần, với 15 tấn/ năm. Năm 2013 vừa qua, tổng thu nhập của trang trại lên tới gần 400 triệu đồng, trừ chi phí bình quân mỗi năm gia đình ông lãi khoảng 300 triệu đồng.
“Mất mùa thì mới khó, đừng có mơ mất mùa với chúng tôi!”. Ông Nguyễn Văn Cảnh
|
“Được mùa thì dễ chứ mất mùa thì mới khó, đừng có mơ mất mùa với chúng tôi” - đó là lời tâm sự của ông Cảnh. Cả làng mất mùa, ông vẫn có thể làm cho nhãn trĩu quả; trước đây mùa nhãn hơn một tháng, giờ ông có thể làm cho mùa quả kéo dài tới gần nửa năm. Có những năm thiên nhiên khắc nghiệt nhưng trang trại của ông vẫn được mùa.
Trang trại nhãn của ông có khoảng 4-5 người giúp việc, đặc biệt khi mùa thu hoạch đến thì số lượng công việc tăng lên nên cũng cần nhiều người làm hơn. Mỗi ngày, trung bình gia đình ông trả từ 150.000 đồng/ công lao động và khi thu hoạch thì sẽ nâng mức tiền công lên cao hơn cho công nhân.
Gần 20 năm trong nghề, hiện ông Cảnh có hơn 1 ha nhãn lồng và ông đang mở rộng diện tích trồng nhãn lên gấp đôi so với ban đầu. Trồng nhãn chuyên canh trên diện tích lớn, vài năm trước ông Cảnh đã thấm bi kịch nhãn được mùa thì rớt giá, nhãn được giá thì mất mùa. Vài năm trở lại đây, ông nổi danh là một trong những bậc thầy làm nhãn sớm, nhãn muộn. Trung bình mỗi cân nhãn được bán với giá từ 40.000 -50.000 đồng.
Năm 2009, gia đình ông vinh dự đón TBT Đỗ Mười xuống tham quan và làm việc, đã được khắc thành bia di sản.
Một kỷ niệm đáng nhớ của ông là vào năm 2009, ông và gia đình được vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười xuống thăm và động viên gia đình tiếp tục gắn bó với nghề trồng nhãn.
“Ai muốn chia sẻ kinh nghiệm, tôi sẵn sàng”Theo ông Cảnh, trồng nhãn lồng không khó, chỉ cần có 4 yếu tố cơ bản: Thứ nhất là có trình độ thâm canh khai thác, thứ hai là chọn giống tốt, nắm bắt được các kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại là thứ ba và cuối cùng quan trọng không kém đó là tình yêu đối với cây nhãn thì nhất định sẽ thắng lợi.
Kiến thức chung để trồng nhãn thì ở mọi nơi đều có những nét tương đồng, tuy nhiên đối với từng loại giống nhãn mà lại có các cách chăm nhãn khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, sau gần 20 năm gắn bó với cây nhãn, ông Cảnh đã trở thành lão nông kỳ cựu trong nghề. Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ quá trình đam mê học hỏi và chịu khó áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất .Ông thường xuyên đi học từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nhãn lồng và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Chi hội Nông dân tỉnh Hưng Yên.
Ngoài việc làm giàu bằng cây nhãn, ông Cảnh thường xuyên tuyên truyền vận động giúp đỡ bà con nông dân, những hội viên trong chi hội nhãn lồng để cùng phát triển cây nhãn, cải tạo vườn, chọn giống, thâm canh nắm bắt khoa học kỹ thuật. Những hội viên nào chưa được đi học, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm. Ông chia sẻ “Tôi rất may mắn là được đi học những cái mới đó. Khi về, tôi nhất định sẽ chia sẻ những gì mình đã học được cho những hội viên trong chi hội, để từ đó, họ có thể nắm bắt và thực hành được ngay trên vườn nhãn nhà mình”.
Nếu ai muốn học hỏi cách thức trồng nhãn lồng, xin liên hệ với ông Nguyễn Văn Cảnh theo số điện thoại: 0975.557.797.
|