Từ ngàn xưa, buôn làng Cơ Ho đã sống dưới chế độ mẫu hệ, do đó nền tảng của hôn nhân bao giờ cũng tuân theo lệ “bắt chồng”. Phần chính trong đám cưới của đồng bào Cơ Ho là khi nhà trai rước chú rể về bên nhà vợ và dẫn đầu đám rước (thường là ông cậu của chú rể) sẽ mang theo một vật không thể thiếu đó là chiếc... xà gạc. Chiếc xà gạc ngoài những ý nghĩa thiết thực thường trực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nó còn là “vật thiêng” mở ra một giai đoạn mới cho cuộc sống lứa đôi của những chàng trai, cô gái Cơ Ho ở tuổi lập gia đình.
Khi đoàn rước rể vào đến sân nhà gái thì mọi người cùng dừng lại, riêng ông cậu đại diện cho nhà trai sẽ cầm xà gạc tiến đến cửa buồng tân hôn của cô dâu, chú rể và hô dõng dạc rằng: “Họ nhà tôi đã đưa đứa cháu trai ưu tú nhất tới đây. Hãy mở rộng cửa để cháu rể được vào”. Nghe nhà trai nói vậy, phía trong cánh cửa, người cậu của cô dâu sẽ lập tức đáp rằng: “Cửa này 2 lớp ngoài được đan bằng tre, 3 lớp trong được lót bằng gỗ. Phải giỏi giang, khỏe mạnh thì mới mở được, chứ gia đình không mở giúp đâu!”.
Nghe lời đáp ấy, biết rằng nhà gái đã đồng ý, ông cậu của nhà trai sẽ giả vờ lùi lại 3 bước rồi bất ngờ làm điệu bộ giơ xà gạc chém tượng trưng liên tiếp 3 nhát để mở rồi đẩy cánh cửa và mọi người cùng reo hò dẫn chú rể thật nhanh qua bậu cửa. Sau thủ tục “chém cửa” và vào được bên trong nhà gái, hai họ sẽ vui vẻ cùng chứng kiến phần lễ bái cô dâu nhận chú rể do già làng làm chủ lễ.
Chiếc xà gạc do người cậu cầm để thực hiện nghi thức chém vào cửa, sau đám cưới sẽ được trao cho chú rể và nó sẽ gắn bó với anh ta suốt đời. Điều đặc biệt nữa là nghi thức “chém cửa” thiêng liêng chỉ được áp dụng cho lễ cưới của những đôi trai gái còn trinh trắng, với những cặp đã lỡ “gạo nấu thành cơm” rồi thì đám cưới sẽ phải tổ chức nhanh gọn hơn và không có thủ tục này. Có thực hiện nghiêm nghi thức trên thì mới đảm bảo ý nghĩa thiêng liêng của luật tục và để giới trẻ biết trân trọng hơn giá trị của hôn nhân...
Vinh Minh