Dân Việt

Hồi ức ngày Bác Hồ đón kiều bào về thăm đất nước

21/01/2015 07:00 GMT+7
Không chỉ yêu nước bằng tấm lòng, bằng trái tim, người Việt Nam ở nước ngoài đã có những hành động cụ thể thiết thực đóng góp cho đất nước.
55 năm trước đây, ngày 10.1.1960, Thành phố Cảng Hải Phòng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón chuyến tàu biển đầu tiên, mang tên "An Phú" đưa 992 kiều bào từ Thái Lan về nước. Kể từ đây, hàng triệu lượt kiều bào đã về quê cùng tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Đã có hàng tỷ đôla của kiều bào đầu tư về nước, nhiều trí thức kiều bào đã về nước tham gia vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm góp phần vào việc đưa đất nước ngày càng phát triển.
img
Bác Hồ đón chuyến tàu biển đầu tiên đưa kiều bào Thái Lan về nước (Ảnh tư liệu)
55 năm về trước, gia đình ông Đặng Đình Thạch được trở về đất nước trên chuyến tàu đầu tiên cập cảng Hải Phòng. Hồi ức về ngày đoàn tụ vẫn y nguyên khi ông còn là cậu bé 12 tuổi cùng gia đình từ Thái Lan về nước. Ông Thạch cho biết: Lúc ở Thái Lan, gia đình ông là một trong những gia đình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng nung nấu được trở về Việt Nam đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Bởi thế, ngay khi Bác Hồ ra lời kêu gọi kiều bào về nước thì đã có biết bao cảm xúc trên chuyến tàu trở lại quê hương.

“Khi đó tôi còn bé nhưng vẫn biết rằng khi gần cập bến cảng Hải Phòng, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy những ống khói của các nhà máy. Dưới dòng sông Cấm là những con tàu, những ca nô treo cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong gió. Tôi thật tự hào xúc động vì ở Thái lan chúng tôi không được tự do treo cờ hoặc mang ảnh Bác Hồ. Chúng tôi không ngờ lại được Bác Hồ ra đón, ai ai cũng xúc động và coi đây là giờ phút trọng đại đối với Việt kiều chúng tôi, coi đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Cảm giác bồi hồi xúc động vẫn còn đến ngày hôm nay”, ông Thạch nhớ lại.

Ông Đặng Đình Thạch vẫn còn nhớ như in lời Bác dặn kiều bào khi đó: “trở về nước cùng đồng bào miền Bắc đồng cam cộng khổ, vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua, sản xuất góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh”. Kể từ đó đến nay, ở nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng ông Thạch vẫn luôn thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương theo lời Bác căn dặn.

Chuyến tàu “An Phú" lần đầu tiên đưa 992 kiều bào từ Thái Lan về nước. Kể từ đây, hàng triệu lượt kiều bào đã về quê cùng tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Họ là những người con xa quê nhưng luôn hướng về Tổ quốc với những hoài bão, ước mơ xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Bà Helen Vân - Việt kiều Thụy Điển cũng là một trong số đó. Sau khi thành đạt với 3 công ty tại Thụy Điển, bà Helen Vân mang toàn bộ vốn liếng tích cóp trở về quê hương tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) để đầu tư dự án Làng du lịch quốc tế Bắc Âu, xây trại dưỡng lão và trại trẻ mồ côi. Theo bà Helen Vân, trở về Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương là suy nghĩ không chỉ của riêng bà mà của nhiều người Việt Nam sống xa quê hương.

“Tôi trở về đất nước đầu tư từ năm 2005. Mọi công việc đều diễn ra tốt. Tôi nghĩ nếu mình có sự kiên nhẫn thì mình sẽ làm được. Bởi vì, đất nước là cội nguồn, dù mình có giàu có đến mấy, dù mình có ở đâu chăng nữa thì đất nước là nơi mình luôn luôn hướng về và phải quay trở về làm gì đó cho đất nước”, bà Helen Vân chia sẻ.

Hơn nửa thế kỷ qua, tiếp nối tư tưởng của Bác Hồ kính yêu trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm tới bà con kiều bào. Nhiều Nghị quyết, chính sách đã được ban hành, ngày càng phù hợp với tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của bà con. Trong những năm gần đây, kiều hối vào Việt Nam liên tục tăng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2013, lượng kiều hối về nước đạt 11 tỷ USD. Năm 2014, con số này dự kiến tăng 20%. Nhiều trí thức kiều bào đã về nước tham gia vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm góp phần vào việc đưa đất nước ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển rất mạnh về số lượng và cũng có nhiều nét đa dạng. Bởi vì bà con ra đi trong những hoàn cảnh khác nhau với những động cơ khác nhau. Tuy nhiên, nét chung nhất của cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài người nào cũng đều gắn bó với quê hương, đất nước. Trong những năm qua, có những nơi tình hình phát triển rất phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và đặt bà con trước khó khăn. Tuy nhiên, trên rất nhiều địa bàn, việc tranh thủ được những điều kiện thuận lợi thì bà con vẫn phấn đấu vươn lên và càng ngày càng gắn bó với đồng bào trong nước”.

Không chỉ yêu nước bằng tấm lòng, bằng trái tim mà bằng những hành động cụ thể thiết thực. Những người con xa quê luôn hướng về Tổ quốc với những hoài bão, ước mơ xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Chính những ân tình này đã nói hộ tấm lòng của kiều bào và chỉ có những người con đau đáu nỗi niềm với quê hương, đất nước mới có những nghĩa cử như vậy.