Phó mặc cho thị trường
Chia sẻ với NTNN, lão nông chuyên trồng hoa kiểng Nguyễn Văn Sâm (làng hoa Cái Mơn, Bến Tre) nói: “Không thể biết được nhu cầu thị trường tết sẽ diễn ra như thế nào. Lâu nay nông dân chỉ làm theo kinh nghiệm, nhưng những kinh nghiệm ấy giờ đã lỗi thời, bằng chứng là mấy mùa tết gần đây phần nhiều nông dân làm nông sản tết đã đổ nợ”.
Cũng theo anh Phong, để biết mùa dưa hấu tết có tiêu thụ tốt hay không phải chờ đến khoảng mùng 10 tháng Chạp âm lịch. Lúc ấy sẽ biết “lái” có đến lấy hàng hay bỏ của chạy lấy người.
Trong khi đó, tại làng hoa Cái Mơn, ông Đoàn Văn Hòa (Chợ Lách, Bến Tre) vẫn còn chưa hết “rầu thúi ruột” vì vụ hoa tết thua lỗ năm ngoái. Mùa tết năm ngoái, ông đưa về bến Bình Đông (TP.HCM) khoảng 400 cặp tắc kiểng, nhưng bán cả mùa tết cũng chỉ được một nửa, nửa còn lại phải đổ bỏ, chấp nhận lỗ chi phí vận chuyển gần 100 triệu đồng. “Mùa tết năm nay tôi cũng sẽ chở khoảng 300 cặp tắc kiểng về thị trường TP.HCM, nhưng bảo tôi tiên liệu thị trường ra sao thì chịu. Giờ làm hoa kiểng tết như… chơi bài cào, 5 ăn, 5 thua. Thôi cứ đợi đến lúc đó thì hay” - ông ngán ngẩm.
Hỏi lão nông trồng hoa tết Nguyễn Văn Bê (quận 12, TP.HCM) vì sao mùa tết năm ngoái thua lỗ mà tết năm nay vẫn trồng tăng sản lượng hoa, ông cười hề hề: “Thì thấy người ta trồng tăng mình cũng tăng theo, chứ giờ quan sát nhu cầu thị trường rồi sản xuất khó lắm. Thôi nín thở chờ đến tết xem sao”. Theo ghi nhận của người viết, lượng nông sản tết năm nay sẽ dồi dào hơn mọi năm bởi sự tăng đều từ các làng chuyên làm nông sản tết. Thậm chí mặt hàng hoa tết có thể “vỡ” chợ vì để phục vụ thị trường tết, năm nay nông dân Đà Lạt đã tăng diện tích khá lớn trồng các loại hoa mà các làng hoa ở Nam Bộ ưa trồng lâu nay như: Cúc, hướng dương, mào gà, cát tường…
Vẫn phải tự “bơi”
Cuối năm ngoái, tại TP.HCM, trong chương trình trao đổi về thị trường nông sản tết với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế và các chủ trang trại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Duy Thuận cho rằng để giải cứu nhà nông mùa tết trong bối cảnh thiếu thông tin thị trường hiện nay thì nhà nông ở các làng nghề cần liên kết trao đổi thông tin và điều tiết sản lượng nông sản để tránh cảnh dội chợ.
Trao đổi với ông Đồng Quang Đôn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc (Long An) về việc cung cấp thông tin thị trường cho nông dân làng dưa hấu Mỹ Lộc trong mùa tết để tránh dội chợ, thua lỗ, ông Đôn cho rằng đây là nhiệm vụ ngoài tầm với. “Trước vụ tết, chúng tôi chỉ có thể tổ chức tập huấn kỹ thuật hoặc tổ chức cho nông dân có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp để tìm đầu ra, còn đưa ra thông tin thị trường để khuyến cáo nông dân trồng dưa với sản lượng thế nào thì chúng tôi bó tay, không làm nổi đâu!” - ông nói.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM Võ Ngọc Anh cũng cho rằng, trung tâm chỉ có thể cung cấp thông tin thị trường cho bà con trồng nông sản tết ở thành phố. “Chúng tôi không thể định hướng hay hạn chế sản lượng nông sản tết của bà con nông dân. Thực tế hiện nay bà con trồng nông sản tết vẫn phải tự chủ kế hoạch sản xuất của mình” - ông cho biết.