Beagle 2 thuộc sứ mệnh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, với nhiệm vụ tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Tàu vũ trụ dự kiến đổ bộ lên bề mặt hành tinh đỏ vào đúng ngày lễ Giáng sinh năm 2003. Tuy nhiên, nó đột ngột biến mất ngày 19/12 và không có bất kỳ thông tin nào kể từ đó.
Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ của Anh hôm 16/1 thông báo Beagle 2 được tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa sau 11 năm mất tích. Các hình ảnh chụp bằng máy ảnh của tàu thăm dò Mars Reconnaissance Orbiter cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng Beagle 2 đổ bộ theo đúng lịch trình, nhưng nó chỉ được triển khai một phần. Xung quanh nhiệm vụ tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất của Beagle 2 là nhiều câu chuyện không phải ai cũng biết.
Mô phỏng Beagle 2 trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: Beagle2.com
Tên gọi Beagle 2
Tên gọi của tàu vũ trụ được lấy cảm hứng từ một chuyến đi khảo sát mà Charles Darwin từng thực hiện đến Nam Mỹ, Australia và New Zealand.
"HMS Beagle là con tàu đã chở Darwin trong chuyến đi vòng quanh thế giới vào những năm 1830, mở ra chân trời tri thức mới cho chúng ta về cuộc sống trên Trái Đất và được đánh giá là một bước nhảy vọt thực sự trong lịch sử. Chúng tôi hy vọng Beagle 2 cũng sẽ làm được điều tương tự và tìm ra sự sống trên hành tinh đỏ", giáo sư Colin Pillinger, người đứng đầu sứ mệnh của tàu vũ trụ Beagle 2, từng nói.
Nỗ lực của nhà nghiên cứu
Colin Pillinger là người đứng đầu sứ mệnh Beagle 2. Ông qua đời năm 2014 và không thể tiếp tục nghiên cứu về những bí ẩn đằng sau sự mất tích của Beagle 2.
Nhà khoa học không gian xuất sắc từng cho biết rằng tài năng của ông được khơi dậy từ trang trại bò sữa. Tại đây, ông có thể suy nghĩ về những điều khó khăn nhất khi vắt sữa bò. Khi còn là một đứa trẻ, Colin Pillinger đã tự xác định rằng phải cố gắng và nỗ lực làm việc mỗi ngày.
Tiến sĩ Judith Pillinger, vợ của Colin Pillinger và cũng là người tham gia sứ mệnh này, nói: "Beagle 2 ra đời từ niềm say mê tìm kiếm kiến thức khoa học của Colin. Nếu biết rằng nó đã được tìm thấy, ông ấy chắc chắn sẽ ủng hộ ý tưởng thiết kế Beagle 3 và các thí nghiệm để tìm ra câu trả lời về sự sống trên sao Hỏa".
Giáo sư Colin Pillinger chụp cùng mô hình tàu vũ trụ Mars Express năm 2003. Ảnh: PA Wire
Sự kết hợp của khoa học và nghệ thuật
Các chuyên gia thiết kế thiết bị thăm dò muốn đảm bảo nguồn kinh phí cần thiết cho sứ mệnh đưa Beagle 2 lên sao Hỏa và để thu hút sự chú ý của công chúng, họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của các nhạc sĩ và nghệ sĩ.
Ban nhạc rock Blur từng soạn một đoạn nhạc ngắn theo dạng tín hiệu gọi và dự kiến sẽ chơi nó khi Beagle 2 đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ. Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa bao giờ được thực hiện khi con tàu mất liên lạc với Trái Đất trước lúc có thể đổ bộ.
Thay đổi thiết kế
Beagle 2 có kích thước rộng khoảng hai mét và nặng 69 kg, với các bộ phận pin năng lượng Mặt Trời thiết kế như dạng cánh hoa.
Năm 1997, các nhà thiết kế con tàu thăm dò nặng đến 108 kg. Tuy nhiên, họ buộc phải thay đổi thiết kế trong bản vẽ xuống còn 69 kg, khi biết rằng sứ mệnh khám phá Mars Express chỉ có thể mang khoảng 60 kg. Điều đó cũng có nghĩa rằng trên sao Hỏa, Beagle 2 chỉ còn 30 kg. (Trọng lực sao Hỏa bằng 38% trọng lực Trái Đất).
Sứ mệnh khám phá sao Hỏa
Mô phỏng tàu thăm dò Beagle 2 được tách ra từ tàu mẹ Mars Express. Ảnh: Telegraph
Beagle 2 được đưa vào không gian theo sứ mệnh Mars Express (tạm dịch Tàu tốc hành sao Hỏa), ám chỉ tốc độ đáng kinh ngạc của nó. Nhưng cái tên đó cũng mô tả hành trình liên hành tinh tương đối ngắn của tàu vũ trụ.
Con tàu mẹ Mars Express đến được mục tiêu trong thời gian kỷ lục vì nó được phóng đi vào thời điểm quỹ đạo của Trái Đất và sao Hỏa đưa chúng lại gần nhau hơn so với khoảng cách của 60.000 năm trước đây.