Trong kho tàng văn hóa dân gian có câu ngạn ngữ "ăn Bắc, mặc Kinh", để chỉ nét đẹp của người kinh đô Thăng Long từ xưa đến nay qua trang phục mang đậm dấu ấn Hà thành cổ kính, thanh lịch.
Đến ngày nay, nhiều ca dao, tục ngữ vẫn còn lưu truyền, ngợi ca vẻ đẹp con người được quần áo tôn thêm gấp bội. Vẻ đẹp của một người phụ nữ phải là:
"Khăn nhung vấn tóc cho vừa
Đi giày mõm nhái, đeo hoa cánh bèo.
Quần thâm lĩnh Bưởi cạp điều
Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang".
Vẻ đẹp của các công tử con nhà giàu thị dân cũng đã có tiêu chí một thời:
"Thấy anh áo lượt xênh xang,
Đồng hồ quả quít, nhẫn vàng đeo tay,
Cái ô lục soạn cầm tay,
Cái khăn xếp nếp, cái dây lưng điều".
Hay:
"Giày ban bóng láng nuột nà,
Khăn xếp chữ nhất, quần là nếp tư".
Trải qua tiến trình dựng và giữ nước, cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo mỗi thời đại, nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, đậm nét văn hóa của vùng Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Áo yếm được may thành hình thoi hoặc hình vuông, có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng. Một số quan điểm cho rằng chiếc áo yếm được ra đời là để tôn vinh tấm lưng trắng nõn, ngọt ngào ấy của người phụ nữ. Không những thế, chiếc áo yếm với đường khoét nhẹ nhàng, ôm khít đường hõm lưng khiến vòng eo trở nên nhỏ nhắn hơn.
1. Trang phục người Hà Nội thời Hùng Vương
Chứng cứ khoa học cho thấy người Hà Nội biết cách ăn mặc đẹp từ thời Hùng Vương. Nhìn vào những hình trang trí trên trống đồng Cổ Loa (đào được trong lòng đất Cổ Loa, Đông Anh - Hà Nội) đã có thể hình dung được người Hà Nội khi đó trong trang phục ngày hội: đầu đội mũ có gắn lông chim, quần áo cũng làm bằng long chim. Cũng có thể đó là hình những chiến binh đang cầm vũ khí, trên vũ khí lại được cắm lông chim vì chim dường như là vật tổ của cộng đồng người Việt cổ khi đó, hình ảnh này được miêu tả đáng yêu và phổ biến trên trống đồng. Cũng có cảnh đôi trai gái giã gạo, người con trai được miêu tả như mặc khố chứ không phải mặc áp ngày hội. Hình ảnh trang phục còn được thể hiện hết sức sống động và duyên dáng nơi tượng người phụ nữ khắc họa trên cán dao găn thời này: mặc áo chẽn, bó gọn lưng ong, váy dài chấm gót, có nhiều hoa văn đẹp trên váy áo, thắt lưng ngang hông, đầu đội mũ cao, thắt dải ngang trán.
Đối với trang phục thường ngày thời kỳ này không khác biệt nhiều so với trang phục của người dân Văn Lang - Âu Lạc nói chung: Nam mình trần, đóng khố, thân thể, chân tay đều có xăm hình giao long (rồng) và các hình khác. Nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực bó sát vào người, phía trong mặc yếm che kín. Hai loại áo này có thể là chui đầu hoặc cài khuy bên trái, trên áo cũng có hoa văn trang trí. Thắt lưng có ba hàng chấm trang trí cách đều nhau quấn ngang bụng làm cho thân hình tròn lẳn. Đầu và cuối thắt lưng thả xuống phía trước và sau người, tận cùng bằng những tua rủ. Váy bó sát thân với mô típ chấm tròn, những đường gạch chéo song song và hai vòng tròn có chấm ở giữa. Màu sắc thường là màu vàng, đen, đỏ nâu, xám nhạt, vàng nhạt.
Các loại vòng tay, vòng cổ chân và vòng tai bằng đá, bằng đồng cũng là những vật liệu trang sức phổ biến cả ở nam và nữ. Đặc biệt, có những vòng hoa tai bằng đá gắn quả nhạc hay hình con thú. Những chuỗi hạt thường thấy gồm các hạt hình trụ, trái xoan hay hình cầu. Đàn ông đàn bà đều nhuộm răng đen và có tục ăn trầu cho đỏ môi.
2. Trang phục người Hà Nội kỷ nguyên Đại Việt
Đến thời kỳ độc lập tự chủ (kỷ nguyên Đại Việt) do điều kiện ổn định cả về chính trị, xã hội và đặc biệt là về kinh tế, Hà Nội đã trở thành kinh đô và là một trung tâm kinh tế chính trị của cả nước. Các cơ sở chăn tằm dệt lụa ra đời, việc bang giao với bên ngoài cũng làm cho thị trường vải vóc phục vụ cho nhu cầu mặc ngày một phong phú. Trong xã hội cũng đã có sự phân biệt đẳng cấp, trên có vua, quan, dưới có sĩ- nông- công -thương. Cách ăn mặc của người Hà Nội thời kỳ này cũng theo đó mà phân ra các phong cách và kiểu dáng, chất liệu khác nhau.
Nhà nước phong kiến các triều đại đều rất quan tâm đến vấn đề trang phục, trước hết là phẩm phục, võ phục, ví như trang phục của triều đình nhà Lý, tuy còn sơ sài nhưng đã được thể chế hóa từ hình thức, màu sắc, quy cách sử dụng. Như giát phục của võ tướng, dáng vẻ rất uy nghi, gọn khỏe mà vẫn mang được những nét đẹp truyền thống. Trong dân gian, còn giữ tục nhuộm răng đen, ăn trầu, nếu muốn xăm mình thì phải theo quy định. Thời Trần cũng vậy. Trong giai đoạn chống Nguyên Mông xâm lược, tất cả tập trung cho cuộc kháng chiến một mất một còn, hầu như mọi hình thái đời sống xã hội trong đó có trang phục, không được phép cầu kỳ, tản mạn.
Thời kỳ này, vua thường mặc áo bào vàng, quần tía, búi tóc, cài trâm vàng đội mũ triều thiên. Quan lại từ ngũ phẩm đến cửu phẩm mặc áo bào gấm, từ cửu phẩm trở lên mặc áo bào bằng vóc. Màu sắc của trang phục cũng được phân rõ: quan nhất phẩm màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu đào hồng. Khi vào triều phục phải đi tất, đi hia và đội mũ phác đầu (mũ cánh chuồn).
Quan liêu, sĩ phu mặc áo dài tứ thân, màu thâm, có cài khít, quần thâm, búi tóc, cài trâm sắt, đầu quấn khăn sa đen, đội nón chóp, đi dép ta, tay cầm quạt lông hạc. Trang phục võ tướng áo dài đến đầu gối, cánh tay áo may gọn gàng chật bó sát cổ tay, toàn thân áo được phủ lên những mảnh giáp hoặc những diềm vải trang trí hình xoắn ốc lớn, có trang trí thêm những quả cầu nhạc nhỏ hoặc tua rủ. Đai lưng bằng da thắt sát bụng làm nổi lên đường nét khoẻ khoắn của cơ thể. Các thành phần khác như phi tần, cung nữ mặc xiêm, người hầu trong cung mặc váy mở, ca công, vũ công hay nhạc công trong cung đình cũng có những lối ăn mặc riêng: váy nhiều nếp, tóc búi cao, điểm những bông hoa, chân quấn xà cạp có trang trí hoạ tiết hoa văn. Binh lính chỉ mặc một áo xanh rộng tay, không có giáp, trụ (điển chế thời Lý -Trần- Lê sơ).
+ Vào thời Lý, năm Canh Thìn (1040), vua xuống chiếu phát hết gấm vóc ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc. (Đại Việt Sử ký toàn thư. Bản kỷ, quyển thứ hai, kỷ nhà Lý).
+ Vào thời Trần, năm Hưng Long thứ tám (1300), quy định kiểu mũ áo: Quan văn thì đội mũ chữ đinh màu đen, tụng quan thì đội mũ toàn hoa màu xanh vẫn như quy chế cũ, ống tay áo của các quan văn võ rộng 9 tấc đến 1 thước 2 tấc. Các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường (mũ toàn hoa xanh có 2 vòng vàng đính vào hai bên - Đại Việt Sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển thứ năm, kỷ nhà Trần).
Khi giành thắng lợi, Kinh thành Thăng Long ba lần bị quân giặc chiếm đóng, đã bị tàn phá nghiêm trọng, phải gồng sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Do đó, phải đến hơn mười năm sau nữa, triều đình mới có thời gian định lại quy chế về trang phục như: áo may phải theo kích thước dài, ngắn, rộng, hẹp do triều đình đặt ra. Chỉ riêng về màu sắc - các quan nhất phẩm mới được mặc áo màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu đào hồng v.v...
+ Thời Lê, trang phục quý tộc có quy định chặt chẽ hơn dựa trên phẩm hàm. Vua Lê Thánh Tông đã nói: "Triều đình là chốn lễ nhạc, y phục là để phô vẻ đẹp, danh phận rõ ràng, không thể sai vượt được"... "Những thứ áo giáp, mũ trục là để làm cho dung nghi quân sỹ được hùng mạnh". Vì vậy, quy định đối với việc mặc trang phục là các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm thì áo: xuân, hạ dùng sa tàu; thu, đông dùng đoạn tàu; đều màu huyền; khăn: hàng văn thì hai tao (vòng), hàng võ thì một tao. Các quan tứ phẩm thì áo được dùng sa và đoạn nhưng bằng hàng ta. Các thị nội giám khăn binh đinh, sau đổi làm khăn lục lăng. Các quan văn võ và nội giám, được sung vào chấp sự, khi hành lễ và làm việc đều mặc áo thanh cát và đội mũ sa thâm. Quan văn khi vào hầu ở Nội các cũng vậy. Như vậy, ngoài chức năng bảo vệ thân thể, trang phục còn là phương tiện để tỏ rõ thứ bậc trên dưới, để biểu dương uy lực con người.
Đặc biệt trong quan hệ ngoại giao, triều đình đã ra lệnh cho các công hầu, phò mã và các quan văn võ không được dùng đồ xấu cũ đã đành, còn phải theo những y phục cụ thể để tiếp sứ Minh. Một trong những quy định về độ dài ngắn áo dài, xem ra rất đơn giản mà khoa học, đó là đưa ra một khoảng cách nhất định. Do vậy, người cao kẻ thấp đều có thể áp dụng. Đời vua Lê Thánh Tông trong những năm từ 1466 đến 1488 đã có tới sáu lần ra chiếu, ra dụ về trang phục. Vua Lê Dụ Tông có thời kỳ trung bình cứ hai ba năm lại đề cập đến vấn đề trang phục.
Còn đối với tầng lớp thứ dân trong kinh thành, nữ thường mặc áo tứ thân cổ tròn, quần thâm, khăn the bóng, thắt lưng lụa, đi giày dép bằng da, cấm không được sử dụng màu vàng và búi tóc như cung nhân. Đàn ông thường cởi trần hoặc mặc áo tứ thân màu đen bằng the, quần mỏng bằng lụa thâm, đa số cạo trọc đầu. Trang phục bình dân không có sự thay đổi nhiều suốt gần hai ngàn năm. Phong trào xăm chữ trên cánh tay, trên bụng để tỏ lòng quyết tâm đánh giặc rất sôi động.
3. Trang phục người Hà Nội thời Lê mạt
Sang thời Lê mạt do cơ cấu chính trị trong triều đình có nhiều thay đổi và trở nên phức tạp bởi hệ thống cung vua phủ chúa nên lối phục sức của tầng lớp quý tộc cũng ít nhiều thay đổi: Vua mặc long cổn, đội mũ tam sơn hay áo hoàng bào mang đai ngọc; Chúa mặc áo bào tía, đội mũ xung thiên mang đai ngọc; Hoàng thái tử (con vua) mặc áo xanh đội mũ dương đường; Vương thế tử (con chúa) mặc áo đỏ đội mũ cánh chuồn dát vàng, bố tử kỳ lân...
Ảnh minh hoạ.
Học trò và người thường khi có công việc đều mặc áo thâm, dân quê mặc áo vải thô màu trứng. Đến cuối thời Lê thì ai cũng mặc áo thanh cát màu thâm, xanh sẫm, màu sừng, màu trắng ít dùng. Có thời kỳ màu sừng là màu của tầng lớp vương, công, khanh, sĩ. Nhưng về sau bất kể người sang hèn đều mặc màu này. Còn các màu xanh sẫm, xanh nhạt thì lại cho là quê không dùng nữa (Phạm Đình Hổ (Vũ Trung tuỳ bút)).
4. Trang phục người Hà Nội thời kỳ cận đại
Người Hà Nội thời cận đại rất chú ý đến cách ăn mặc. Khâu đầu tiên là chọn lựa chất liệu của quần áo. Chất liệu may áo ưa chuộng, lúc đó là the mà phải là the dệt bằng tơ tằm, dệt thưa, nhuộm thâm, thường là the làng La Cả. Chất liệu may quần của nữ là lĩnh làng Bưởi mới là hàng tốt nhất, sợi mịn, mặt bóng. Quần của nam giới là lụa trắng làng Cổ Đô. Ngoài ra, một số chất liệu vải cao cấp cũng hay được dùng như: sa, xuyến, băng, là, xồi, đũi, nhiễu.... đều là sản phẩm của các làng nghề ở Hà Nội hay các tỉnh lân cận sản xuất. Một số hàng đặc biệt hơn dành cho vương hầu là đoạn, gấm, vóc,...
Thị dân các phố nghề, buôn bán, lao động thì ưa quần áo màu thâm, trắng và nâu. Quần áo nuộm bằng củ nâu vừa bền màu vừa bền sợi. Phường Đồng Lâm có nghề nhuộm vải nâu nổi tiếng. Thiếu nữ mới lớn thích nhuộm màu nâu non để tôn thêm vẻ đẹp nước da trắng ngần. Các ông bà thì thích nhuộm màu tiết dê. Phường Hàng Đào lại có nghề nhuộm điều.