Gạo thương hiệu bất lợi vì thuế VAT
Theo thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ispard), mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 22 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo dành cho xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn, gạo dành cho dự trữ, chế biến khoảng 6 triệu tấn. Hơn 9 triệu tấn còn lại dành cho tiêu thụ nội địa, gồm 5,5 triệu tấn do nông dân tự sản xuất để ăn và 3,5 triệu tấn phải mua thêm.
Ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BVTV An Giang (AGPPS) cho biết, dù muốn tổ chức mạng lưới bán lẻ gạo với chất lượng đảm bảo, có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhưng lại sợ không cạnh tranh được với mạng lưới những thương lái buôn tự do. Lý do, theo ông Thòn, DN phải nộp thuế VAT 5% trong khi những người buôn bán nhỏ thì không. “Với VAT 5%, giá gạo tăng thêm 500-1.000 đồng/kg khiến chúng tôi không thể bán gạo ra thị trường được. Mà không xây dựng được thương hiệu gạo để cạnh tranh với hệ thống bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà” - ông Thòn nói.
Theo phân tích của ông Thòn, hiện nay thuế VAT 5% trên chỉ áp dụng thu đối với gạo được đóng gói, có thương hiệu. Do đó, nhà nước chỉ thu được khoảng 105 tỷ đồng/năm tiền thuế VAT khi DN bán gạo có thương hiệu cho người tiêu dùng, thay vì hơn 2.100 tỷ đồng/năm nếu thu thuế tất cả lượng gạo tiêu thụ.
Còn như nông dân Trần Văn Sữa (ngụ ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) thì cho rằng, dù là người trực tiếp sản xuất ra hạt lúa, tuy nhiên, khi đi mua gạo về ăn, ông phải đóng thuế nên rất ấm ức: “Khi đi mua gạo của nông dân tụi tôi về ăn thì thay vì trả giá 11.800 đồng/kg, tui phải trả 12.400 đồng/kg. Hỏi ra mới biết đó là cộng thêm 5% thuế theo quy định của nhà nước”.
Phá rào cản từ thuế
Ông Trần Ngọc Trung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Vinh Phát (TP.HCM) cho rằng, chính sách thu thuế VAT 5% đối với gạo có thương hiệu chủ yếu đánh vào người tiêu dùng. Trong khi đó, so với thương nhân bán gạo xá, DN kinh doanh gạo có thương hiệu đã phải chịu thêm chi phí đóng túi, xây dựng, quảng bá thương hiệu… Người tiêu dùng do đó thường chọn mua gạo xá thay vì các túi gạo đóng gói.
“Trong tình hình các DN nước ngoài, trong đó có Thái Lan, đang triển khai rầm rộ việc đưa hàng nước ngoài vào Việt Nam, tương lai không xa sẽ có mặt hàng gạo, các DN trong nước chưa xây dựng được thương hiệu gạo dễ rơi vào cảnh “thua trên sân nhà” - ông Trung nhận định.
Còn theo ông Huỳnh Văn Thòn, gạo là mặt hàng có lợi nhuận thấp nên việc thu thuế 5% sẽ càng làm giảm sức cạnh tranh của đối tượng gạo đóng túi. Đây là rào cản rất lớn cho các DN muốn đẩy mạnh tiêu thụ gạo đóng túi có thương hiệu, chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại thị trường nội địa.
Do đó, ông Thòn đề xuất miễn thuế VAT 5% khi bán gạo đến người tiêu dùng. Việc miễn thuế này đồng nghĩa với Chính phủ đầu tư mỗi năm khoảng 105 tỷ đồng cho việc xây dựng thương hiệu gạo nội địa cho các DN trong nước.
“Nếu giải quyết được vấn đề thuế VAT, từ nay đến năm 2018 AGPPS có thể tổ chức được hệ thống bán lẻ tiêu thụ khoảng 300.000 tấn gạo/năm và nâng lên 500.000-1.000.000 tấn gạo/năm vào năm 2020” - ông Thòn khẳng định.
TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm cũng cho rằng, cần lập tức bãi bỏ thuế VAT đối với mặt hàng gạo. Qua đó, sẽ tạo điều kiện để các DN gạo tạo dựng thương hiệu vững mạnh trên thị trường nội địa, giúp người dân Việt Nam có cơ hội được sử dụng gạo có chất lượng cao hơn.