Dân Việt

Vẫn loay hoay tìm cách “trị” giá hàng hóa

Mai Hương 23/01/2015 07:17 GMT+7
Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh sau 13 lần điều chỉnh, nhưng đến lúc này các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay với các giải pháp để buộc giá cước vận tải cũng như giá các loại hàng hóa khác phải giảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu...

Xử phạt lấy lệ?

Bà Vương Thu Hằng- Trưởng phòng giá (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, tính đến 15.1 đã có 92 doanh nghiệp vận tải của Hà Nội kê khai giảm giá cước với mức giảm phổ biến từ 4-10%. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về giá. Trong đó, kiểm tra 8 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, đã xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp kinh doanh taxi và một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định, với cùng mức phạt 30 triệu đồng. Bà Hằng cũng thừa nhận: Nhiều doanh nghiệp vận tải khi kiểm tra có chi phí đầu vào thực tế chưa sát với số liệu các khoản chi phí trong hồ sơ kê khai nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại các chi phí cấu thành giá cước, lập và kê khai lại giá cước gửi cơ quan tiếp nhận theo quy định.

img
Dù giá xăng giảm liên tục tới 13 lần, giá cước của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn giảm nhỏ giọt hoặc “bình chân như vại”. Ảnh chụp tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội).   Ảnh: Mạc Ly
“Nhất định phải xử phạt!”. Đó là quan điểm của ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội. Ông Liên cho rằng: “Giá xăng đã giảm sâu như thế không thể không giảm giá cước vận tải. Với những doanh nghiệp chây ì không giảm giá hoặc giảm nhỏ giọt, đề nghị cơ quan quản lý xử phạt ngay”.

 

Theo tính toán của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, xăng dầu chiếm từ 30-45% chi phí của nhiều doanh nghiệp, nếu tính từ giữa năm 2014 đến ngày 21.1.2015, giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm 30%, nhưng thực tế mức điều chỉnh này chưa tác động nhiều đến giá các loại hàng hóa liên quan. “Phạt doanh nghiệp vận tải lấy lệ như hiện nay thì giá vận tải sẽ còn khó giảm mạnh”- ông Phú bày tỏ.

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hầu hết các sản phẩm hàng hóa hiện nay đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Nếu giá cước vận tải chưa giảm tương xứng thì hàng hóa có liên quan trên thị trường cũng khó có điều kiện để giảm theo phù hợp. “Bộ Tài chính, cụ thể là Cục Quản lý giá và Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán lại chi phí để giảm cước. Các cơ quan liên ngành cũng đang đi kiểm tra thực tế (đã kiểm tra từ ngày 19.1 và dự kiến đến 5.2-PV). Nếu những yếu tố chi phí đầu vào giá cả vận tải được làm rõ thì chắc chắn giá vận tải sẽ giảm phù hợp và giá hàng hóa khác cũng sẽ đi xuống” - ông Quyền cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây cũng khẳng định: Đến thời điểm này chưa có đầy đủ căn cứ để khẳng định giá cước vận tải đã được giảm phù hợp hay chưa vì còn cần phải có nhiều số liệu, căn cứ để tính toán. Bộ Tài chính đang tiếp tục thanh tra, kiểm soát mạnh tình hình giảm giá cước.

Lỗi điều hành thị trường!

Theo ông Cao Sĩ Kiêm-nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tình hình hiện nay có lỗi điều hành thị trường khiến cho giá cả lộn xộn, không tuân theo đúng quy luật. Bản thân cơ quan nhà nước cũng lúng túng trong xử lý vi phạm về giá. “Chi phí xăng dầu giảm thì giá thành hàng hóa phải giảm, hạch toán chi phí ở đây rất rõ ràng, có quy chuẩn, người dân bình thường cũng thấy, vậy sao giá hàng hóa ăn theo giá xăng không giảm?”- ông Kiêm đặt câu hỏi.

Theo ông Kiêm, cơ quan nhà nước quá thiếu các biện pháp đủ mạnh để tác động vào thị trường đúng hướng. Tất nhiên, thị trường phải theo quy luật cung cầu, nhưng các doanh nghiệp đang cố tình vi phạm, lách luật thì chúng ta phải có biện pháp hành chính. “Nhà nước phải có quy định rõ giá xăng tăng bao nhiêu, giảm mức nào thì phải điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa trên thị trường. Đấy là nguyên tắc để quản lý. Nhưng mặt này chúng ta làm có phần chưa quyết liệt” - ông Kiêm cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Với cơ chế quản lý giá cả hàng hóa như hiện nay thì chỉ có người tiêu dùng ở giữa là chịu thiệt. Tôi đồng ý chúng ta không thể áp dụng một mệnh lệnh hành chính nào để buộc kéo giá cả xuống, song cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp rà soát việc niêm yết giá, bán đúng giá, quản lý các khâu trung gian bán lẻ”.

  Chiều 22.1, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết giá vé xe Tết Nguyên đán giảm từ 7% - 20% so với giá vé Tết Nguyên đán 2014 do giá cước cơ bản được điều chỉnh giảm theo đà giảm giá xăng dầu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động tại các bến xe đang tiến hành kê khai lại giá cước vận tải. Lãnh đạo Bến xe Miền Đông thông tin, đến nay có khoảng hơn 1 nửa doanh nghiệp vận tải tại bến kê khai giảm giá vé. Còn tại Bến xe Miền Tây có khoảng 100/130 doanh nghiệp giảm giá vé. Ông Nguyễn Quốc Thắng  - đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết, thống kê mới nhất của sở cho thấy có 12 doanh nghiệp, HTX vận tải vừa kê khai giảm giá vé với mức giảm sâu, tuyến giảm ít nhất là 8,3%, còn tuyến giảm cao nhất là 20%. HỮU KÝ