Dân Việt

Cùng các trường học làm vườn rau xanh

Kiều Thiện 23/01/2015 15:39 GMT+7
Ông Lò Văn Quý - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện Thuận Châu (Sơn La) thông tin với phóng viên NTNN: “Vừa qua, chúng tôi phối hợp với nhiều trường học trồng hơn 10.000m2 rau xanh để cải thiện bữa ăn cho học sinh”.

Vườn rau gỡ khó cho nhà trường

Đến nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở ở những vùng khó khăn của huyện Thuận Châu như: Long Hẹ, Co Mạ, Nậm Lầu, Mường Khiêng, É Tòng… chúng tôi rất ngạc nhiên khai thấy có nhiều vườn rau xanh tốt với đủ các loại rau như cải canh, cải bẹ, cải bắp, cà chua, su hào. Ngay ở những vùng thuận lợi, chưa chắc đã có được những vườn rau này, huống hồ ở vùng khó khăn.

img
Không chỉ giúp các trường học làm vườn rau, nhiều hội viên ND xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu) còn giúp các nhà trường bán lượng rau dư thừa, lấy tiền cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú. Ảnh: Kiều Thiện
Trả lời cho câu hỏi của tôi, chị Lò Thị Nương - ND xã Bó Mười cho biết: Vườn rau này là hội viên ND cùng các giáo viên, học sinh của trường làm đấy. Chúng tôi góp tre, nứa, phân chuồng, cây giống, rồi cùng nhà trường đánh luống, làm đất, rào vườn, trồng rau. Làm vườn thế này không chỉ giúp con em mình có thêm rau xanh cải thiện bữa ăn mà còn là “bài học thực hành” hữu hiệu về sản xuất nông nghiệp cho các cháu.

 

Trao đổi với ông Lò Văn Quý - Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Châu, chúng tôi được biết, năm 2014, Hội ND Thuận Châu đã xây dựng phương án, chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các trường học bán trú trên địa bàn để làm vườn rau, chủ động nguồn thực phẩm xanh - sạch cho bữa ăn tại các nhà trường. Nhờ có nguồn rau này, bữa ăn của các cháu được bổ sung thêm thực phẩm khác (được mua từ tiền tiết kiệm khi không phải mua rau), lại giúp các cháu thêm yêu cuộc sống, yêu lao động.

“Ươm mầm” cho con cháu của mình

Quan điểm

Ông Lò Văn Quý
  Đến nay, các cơ sở Hội của huyện Thuận Châu đã phối hợp với 31 trường học của 10 xã đặc biệt khó khăn làm được hơn 10.400m2 vườn rau xanh; trong đó 26 trường đã có rau sử dụng”. 
Thuận Châu là huyện có nhiều xã vùng cao, vùng sâu, giao thông rất khó khăn, cư dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Khơ Mú, La Ha… Đời sống vật chất và trình độ dân trí của người dân phần lớn còn ở mức thấp. Vì vậy, những năm qua các nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc huy động trẻ đến trường, duy trì sĩ số học sinh, phổ cập toàn diện và “đào tạo mũi nhọn”, đáp ứng cơ sở vật chất dạy và học… Vai trò của các bậc phụ huynh chính vì vậy càng trở nên quan trọng bởi hơn 80% số học sinh là con em các hội viên, ND.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Hội ND huyện tâm sự: Dấu ấn của Hội ND trong sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo ở Thuận Châu rất rõ rệt. Hàng năm, các hội viên, ND đã đóng góp hàng ngàn ngày công và vật liệu xây dựng để dựng mới, tu sửa, nâng cấp nhà lớp học và làm nhà bán trú cho học sinh. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện để trẻ đến tuổi được ra lớp, để trẻ không bỏ học, học tập tốt hơn… cũng được Hội quan tâm triển khai tích cực tới các hội viên, ND. Nhờ thế, học sinh không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi đến lớp mà cả ở nhà cũng có thêm thời gian, chỗ ngồi học tập, ánh sáng đảm bảo hơn so với trước.