Dân Việt

Về miền Tây đi... chài cá

Út Tẻo 23/01/2015 12:00 GMT+7
Ở miền Tây sông nước Cửu Long giang không mấy ai lạ gì cái cảnh: "Chồng chài, vợ lưới, con câu/ Chàng rể đặt lọp, con dâu ngồi nò".

Chài được làm bằng lưới, chia thành nhiều nếp, miệng chài có thể bung tròn rộng khi người ta quăng chài ra. Phía trên chài được gom túm lại và buộc vào đó sợi dây chắc chắn. Phía dưới dằn nhiều lòi tói nhỏ, khắp quanh miệng chài. Người ta có thể mang chài trên vai, tay xách thêm chiếc giỏ tre rồi rảo quanh đồng trống, hay bưng biền nước ngập. Thấy thuận tiện, theo kinh nghiệm đoán biết nơi nào đó có cá, tép thì tay tém, tay cung quăng chài ra.

img
Chài lưới ở miền Tây (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

 

Người đi chài như một nghệ sĩ, mỗi lần quăng là một lần sáng tạo. Người có kinh nghiệm chài hay, khi quăng chài sẽ bung tròn rất khéo. Miệng chài nặng nhanh chóng chìm xuống túm cá, tép vào trong. Người đi chài lựa chiều thuận kéo chài để tép, cá không thể chạy trốn. Đem chài lên bờ, lần gỡ cá bỏ vô giỏ rồi tiếp tục công việc.

Nếu đi chài trên sông, rạch bằng xuồng thì phải có hai người. Người quăng chài và người chèo. Chèo đến chỗ thuận lợi, người cầm chài vừa quăng chài, vừa giữ thăng bằng. Đây là một thao tác khó bởi mũi xuồng nhỏ, khi đứng, xuồng thường hay lắc qua, lắc. Người mới tập chài, té xuống nước như chơi.

Ai ở vùng sông nước mà chẳng giỏi bơi lội, có điều khi té xuống rồi, chài đó coi như thí bởi cá tôm sẽ thừa cơ chạy hết. Chài trên ruộng đã khó thì chài trên xuồng, ghe còn đòi hỏi kỹ thuật gấp nhiều lần hơn. Để cười cợt người vụng chài lại nhằm mục đích khác, dân gian để lại bài học bằng câu hát ví:

"Cầm chài mà vãi vô nia/ Cưới con bá hộ đặng chia gia tài".

img
Đi chài cá (Nguồn: Internet)

 

Khi chài đã quăng ra, người chèo thường dùng hai mái chéo móc ngược cho xuống lùi về phía sau, người kéo chài theo chiều đó đưa chài lên, bắt cá. Để có được cá tôm nhiều hơn, người ta còn dùng mồi dừa khô, khoai mì sống để dụ tôm hay rải cám rang nhằm thu hút cá chốt, cá lòng tong, … quăng xuống nước trước, sau đó mới… chài. Tình cảnh người chài lưới nhiều lúc cũng thật xót xa như nhân vật trữ tình của câu ca sau:

"Anh cầm chài anh vãi năm bảy con cá lòng tong.

Thương em nát gan, nát ruột, lại nát tấm lòng.

Thấy em ở bạc trong lòng anh hết thương".