18 năm chưa “thay áo”
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý cầu Long Biên, cho biết: Ngoài việc sửa chữa thường xuyên, vào năm 2005, cầu Long Biên đã được gia cố với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng để bảo đảm an toàn giao thông đến năm 2010. Gần 10 năm qua, cầu chưa được gia cố nên xuống cấp nghiêm trọng. “Hiện cầu chỉ còn 13 nhịp dầm cũ từ thời Pháp, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sau khi cầu bị đánh bom vào năm 1972, 6 nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng. Dù nói là sửa tạm, nhưng đến nay cầu vẫn sử dụng những dầm tạm này. Điểm yếu nhất của cầu Long Biên chính là các nhịp cầu cải tạo” - ông Long nhận định.
Đề cập đến độ an toàn của hai làn đường bộ trên cầu Long Biên, đại diện Công ty Đường sắt Hà Hải cho biết: Trên cầu có nhiều ổ gà, vết nứt. Các dầm thép khá mỏng nếu không được sửa chữa kịp thời sẽ khó lường trước rủi ro. Do cầu có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đơn vị quản lý thường xuyên báo cáo lên các ban ngành về việc trụ, dầm và thành cầu nhiều chỗ mối mọt, có một vài điểm có nguy cơ sập vì giàn thép quá yếu.
“Eiffel của Hà Nội” - giấc mơ xa thực tế
Trong số những kiến trúc sư, chuyên gia dành sự quan tâm đặc biệt đến cầu Long Biên thời gian qua, kiến trúc sư Nguyễn Nga đã nêu ra nhiều ý tưởng mới tại nhiều cuộc hội thảo khác nhau. Là Việt kiều sống tại Pháp, bà Nga luôn ấp ủ kế hoạch cải tạo và biến cầu Long Biên thành một biểu tượng của Hà Nội giống tháp Eiffel của Pháp hay tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Khi phát biểu tại các hội thảo, bà Nga luôn giữ quan điểm cá nhân với giải pháp: Biến “cầu cạn” thành vườn treo, cải tạo 131 vòm “gầm cầu” thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống; mặt cầu thành bảo tàng; bãi giữa sông Hồng thành quảng trường, triển lãm quốc gia nông-lâm-ngư…
Tuy nhiên, những giải pháp này lại không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia. Nhiều ý kiến còn cho rằng, ý tưởng của bà Nga rất đẹp, rất lãng mạn nhưng… cũng rất thiếu thực tế. Ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Nếu ý tưởng như thế dễ dàng kêu gọi được các nhà đầu tư thì khi thực hiện chưa biết chừng sẽ có những hậu quả khó lường. Phép tính về sự cân bằng, được-mất phải được đặt ra và nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch- Kiến trúc đô thị cho rằng: “Việc bảo tồn là cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc đem mọi gánh nặng đặt lên cầu Long Biên. Chức năng của cầu là “cầu” nên không cần phải phát sinh ra các chức năng khác không cần thiết, dễ phá hủy hình tượng cây cầu này”. Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Hữu Sơn -Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) thẳng thắn: “Ít nhất phải 20 năm nữa ý tưởng lãng mạn này mới có thể phù hợp với thực tế. Việc cải tạo cầu như của bà Nga không tương xứng với tình hình kinh tế chung của nước ta nên rất khó có khả năng trở thành hiện thực”.