Ngày trước, người dân quê thường làm được gì thì ăn nấy. Heo nuôi, đến ngày giỗ, ngày tết thì làm thịt, trước chia cho hàng xóm, sau để dành ăn. Thời đó, mỡ quý hơn thịt, bán cũng mắc hơn, nhiều người cũng ưa hơn.
Tóp mỡ heo đã thắng (Ảnh: Minh Thương)
Đặc biệt gói bánh tét thì luôn có mỡ heo để làm nhưn (nhân) bánh. Mỡ heo xắt miếng rồi bắc lên chảo thắng. Nước mỡ để ra keo dùng chiên cá, chiên bánh, ăn dần. Tóp mỡ chắc khô nước đem ngào đường thì không những trẻ con mà người lớn cũng mê, cũng thích.
Tóp mỡ ngào đường (Ảnh: Kiều Quang)
Bắc chảo đường lên bếp để lửa riu riu. Đường tan dần, đợi đến khi kéo sợi thì cho tóp mỡ vào, đảo đều qua lại mấy lần rồi nhắc xuống. Khi đó, tóp mỡ được áo bởi lớp đường bên ngoài óng ánh, nhìn đã no mắt.
Trẻ con nhà quê có được tóp mỡ đem khoe và mời bạn bè là đều hãnh diện lắm. Trong những đêm trăng thanh gió mát, người lớn tuổi thường hay kê bàn ra giữa sân, vừa ngắm trăng, nghe con rạch dưới mé dào dạt chảy, nhấn nhá miếng tóp mỡ ngào đường với chén trà sen đượm khói là thú vui đã trở thành nét văn hóa miệt vườn. Có điều, ngày nay, hình bóng ấy đã dần lùi xa vào dĩ vãng.