Lên thành phố vài ngày, khi tôi chưa kịp viết thư gửi về thì đã nhận được lá thư từ mẹ. Tôi vội vàng mở thư đọc những dòng chữ nắn nót chan chứa tình thương. Mẹ hỏi tôi nhiều thứ từ chuyện học, chuyện thầy cô, bạn bè đến những chuyện nhỏ nhặt như tôi ngủ có ngon không, đã quen với những sinh hoạt ở chốn lạ quê người chưa…
Tối đến, tôi thức đến khuya viết thư hồi âm cho mẹ. Phải viết thật đẹp, thật cẩn thận, thật chăm chút bằng tất cả tấm lòng, tình yêu thương của mình thì mới là thư gửi cho mẹ.
Tôi rất nhớ, rất muốn về thăm mẹ ngay lập tức, xin lỗi vì vừa rồi quên viết thư cho mẹ. Viết xong bức thư, trong tôi như có cảm giác vui buồn khó tả khi ra đến bưu điện, rồi tận tay dán tem, gửi lá thư đi.
Luống cải tốt tươi trước cửa nhà cũng vào thư của mẹ (Ảnh: Nhất Huỳnh).
Cứ thế, suốt những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học, ít khi về quê nhưng tôi vẫn biết được biết bao đổi thay ở quê từ những lá thư của mẹ. Như chuyện cây cầu khỉ qua sông thay bằng cầu bê tông, chuyện đường quê mùa mưa phải lội sình lầy giờ được rải đá, tráng nhựa xe chạy bon bon… Rồi mẹ kể chuyện chị Hai kế nhà vừa đám cưới, chú Năm có con trai được đi xuất khẩu lao động, cả chuyện những luống cải mẹ trồng trước cửa nhà mau lớn, xanh um, chuyện gặp được người quen... Tất cả đều hiện lên sinh động, rõ ràng trong từng lá thư mẹ gửi.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi ra trường và xin được việc làm ở thành phố, rồi lập gia đình. Có điều kiện, tôi mua cho mẹ một cái điện thoại di động. Từ đó, tôi thôi không viết thư nữa mà thay vào đó là điện thoại về cho mẹ, cứ cách vài hôm lại điện. Nhưng rồi, càng ngày tôi mới chợt nhận ra, gọi điện không thể giải bày tâm sự với mẹ được nhiều như khi viết thư, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là mấy câu hỏi thăm như “Mẹ dạo này khỏe không?”, “công việc đồng áng, vườn tược...”; lại có những quãng lặng ngập ngừng giữa những lời hỏi thăm thường nhật ấy. Có lúc có những lời thân yêu muốn dành cho mẹ nhưng tôi lại ngượng ngùng không thể nói nên lời.
Hôm nọ, vô tình bắt gặp cô cháu sinh viên bên hàng xóm đang ngồi hí hoáy viết thư, tôi cười bảo: “Thời buổi này mà còn viết thư hả em, không điện thoại cho nhanh?” Cô bé tròn mắt nhìn tôi trả lời: “Em viết thư cho bạn trai ở tận ngoài đảo xa, cứ vài ngày là viết một lá, điện thoại hoài nhiều khi ngượng ngùng không nói được nhiều nữa”. Vừa trả lời, cô bé vừa chăm chút xếp bức thư thành hình trái tim thật đẹp rồi nhẹ nhàng, cẩn thận cho thư vào bao…
Nhìn cảnh ấy, tôi lại nhớ đến hình ảnh mình ngày xưa, cũng tỉ mỉ, nhẹ nhàng, nâng niu lá thư như báu vật quí nhất trên thế gian… Tôi chợt nhớ đến xấp thư mà mẹ đã gửi bao năm qua. Tôi mở tủ, lấy từng lá thư của mẹ và lại mở ra xem. Tôi bất chợt nhận thấy vài lá thư của mẹ gửi gần đây nhất, nét chữ có vẻ như ngày càng gầy yếu hơn, không khoẻ đẹp như khi xưa nữa, nhưng ý tứ trong thư vẫn luôn thương con ngút trời.
Mắt tôi nhòa đi khi đọc những dòng chữ thân thương của mẹ. Có những lá thư mẹ gửi, giờ giấy đã ố vàng rồi. Nhưng mở ra xem lại, thấy thư nào mẹ cũng luôn không quên nhắc bảo tôi hãy tiếp tục viết thư về cho mẹ.
Dù ở nơi xa, bộn bề công việc, nhất định tôi sẽ thu xếp một vài ngày về quê thăm mẹ. Để rồi những thời gian tiếp nữa, chừng nào mắt mẹ còn đọc được, tai còn nghe được, tôi sẽ lại viết thư, thực hiện theo đúng mong muốn và lời dặ của mẹ: "đừng gọi điện thoại nữa, chẳng nói được bao nhiêu cả, viết thư tình cảm ngọt ngào hơn con à…".