Thường thường cá di chuyển theo một con đường mòn trũng thấp, có chút nước lấp xấp, hoặc có khi chúng lóc đi ngay trên cạn. “Lóc” nghĩa là con cá uốn cong thân mình qua tay mặt, tay trái thật nhanh, rồi dùng đầu và đuôi đập xuống đất để lấy trớn và trườn tới.
Có lẽ cá lóc là loại cá "lóc" mau lẹ và giỏi nhứt nên mới có tên như vậy. Cá lóc chẳng những lóc trên mặt đất mà còn có thể nhảy qua một chướng ngại vật như là một bờ đất, một bờ mẫu. Kế cá lóc là cá rô, cá trê cũng "bậc thầy" trong loài cá về chuyện di chuyển như vậy. Tận dụng thói quen đó, người dân quê cũng bắt đầu vào vụ đào hầm bắt cá.
Khuya, sương xuống, cá cũng bắt đầu tìm đường đi, nghe mùi sình và hơi nước chúng sẽ hướng đến … và lọt vô hầm. Thành hầm cao nên chúng khó lòng phóng thoát khỏi. Con này lọt vô hầm quậy động, còn khác nghe tiếng “rọt rẹt” lại tìm đến và cũng… lọt hầm. Chừng nửa đêm ngủ giật mình thức dậy thì chong đèn đi thăm. Nhiều khi quên thì để tới sáng cũng được. Có điều cá vô nhiều, có những con lớn chúng có thể nhảy thoát.
Có lẽ những con cá lóc, cá rô vừa ăn no nhụy lúa nên chúng vừa mập, vừa béo. Bắt con cá lóc nhảy đem nướng trui rồi ngắt miếng lá chuối để lên, banh cá ra, thịt trắng phau như bông bưởi, khói nóng bốc lên thơm phức, kèm với ít đọt rau rừng hái cạnh mé vườn, bờ ruộng, chấm muối ớt hoặc nước mắm chanh ớt, ăn không có gì ngon bằng.
Mùi bùn của ruộng cạn dường như đã thấm vào da thịt cá. Nên cá nhảy hầm mà đem nướng trui vừa ngọt vừa đậm đà hương vị đặc trưng miền quê, ai đã từng thưởng thức thì thật khó lòng quên được.