Ngày 25/1, nỗ lực lần thứ hai trục vớt xác chiếc máy bay QZ8501 trên biển Java của lực lượng cứu hộ Indonesia đã tiếp tục thất bại khi một sợi dây cáp nối thân máy bay với những quả bóng khí khổng lồ trên mặt biển bị đứt.
Ông Manahan Simorangkir, người phát ngôn lực lượng hải quân Indonesia cho biết những dòng hải lưu chảy xiết là thách thức lớn nhất trong quá trình trục vớt xác máy bay. Ông nói: “Chúng tôi không thể chống lại được tự nhiên. Chúng tôi chỉ hy vọng thời tiết sẽ thay đổi và trở nên hợp tác hơn”.
Theo lực lượng cứu hộ Indonesia, họ đã dùng một sợi dây cáp nối thân máy bay với những quả bóng khí khổng lồ và một chiếc tàu cứu hộ trên mặt biển để từ từ nhấc thân máy bay đang nằm ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển. Tuy nhiên, khi thân máy bay vừa nhấc lên được một chút thì sợi cáp bị đứt, khiến QZ8501 tiếp tục chìm xuống đáy.
Trước đó, nỗ lực trục vớt đầu tiên hôm thứ Bảy cũng đã thất bại, khi lực lượng cứu hộ nhấc được xác QZ8501 lên gần mặt biển thì những quả bóng khí bị nổ vì thời tiết xấu, khiến máy bay chìm trở lại.
Trong quá trình trục vớt máy bay lần thứ hai, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm một thi thể trôi ra bên ngoài. Cho đến nay họ đã tìm thấy tổng cộng 70 thi thể nạn nhân trên máy bay, và lực lượng cứu hộ tin rằng phần lớn thi thể nạn nhân vẫn còn mắc kẹt trong phần thân QZ8501.
Lực lượng cứu hộ Indonesia cho biết phần thân máy bay QZ8501 vẫn còn khá nguyên vẹn sau khi đâm xuống biển. Tuy nhiên phần buồng lái của máy bay đã bị gãy rời khỏi thân và nằm cách thân máy bay khoảng 500 mét, và thi thể của cơ trưởng cùng cơ phó có thể ở trong buồng lái.
Cho đến nay, thời tiết xấu vẫn được cho là nguyên nhân chính khiến chiếc máy bay chở theo 162 người này gặp nạn. Kiểm soát viên không lưu đã từ chối yêu cầu tăng độ cao của phi công để tránh bão, tuy nhiên khi họ liên lạc lại, họ không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía phi công.
Sau khi phân tích các dữ liệu hộp đen của máy bay, các điều tra viên Indonesia đã loại trừ khả năng xảy ra khủng bố hay phá hoại trên máy bay.