Điều này tạo nên nhiều cơ hội mở rộng thương mại cho các doanh nghiệp trong nước nhưng kèm theo đó là không ít thách thức, khó khăn.
Mừng ít
Khi Việt Nam (VN) cắt giảm thuế quan sâu theo ATIGA thì người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Trong năm qua, người tiêu dùng VN đã chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đại gia tên tuổi Thái Lan vào thị trường bán lẻ VN như Berli Jucker (BJC), Tập đoàn Central, B’mart, SCG… với các thương vụ nổi tiếng mua lại Metro Cash & Carry, Nguyễn Kim, FamilyMart, Nhựa Bình Minh…
Theo ghi nhận của NTNN, người tiêu dùng ở vùng ĐBSCL rất phấn khởi. Chị Diệp Mỹ Dung (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Tôi và các chị em nội trợ rất vui vì chúng tôi sẽ có nhiều lựa chọn với những sản phẩm tốt nhất cho gia đình, nhất là các sản phẩm về thủy hải sản, gia súc, gia cầm. Giá cả các mặt hàng của các nước sẽ có sự cạnh tranh và cũng sẽ ngày càng phù hợp hơn”.
Còn ông Trần Thành Hiệp (ngụ ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cũng nói: “Khi có sự cạnh tranh mạnh, buộc các doanh nghiệp phải tăng cường thêm khâu làm đẹp mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Chúng tôi luôn muốn có những sản phẩm có giá cả phù hợp với túi tiền”.
Trong khi đó lão nông Nguyễn Văn Siêng (ở Ô Môn, TP.Cần Thơ) thì lại đang hớn hở vì mấy ngày nay giá thức ăn chăn nuôi và phân bón giảm. Ông cho rằng khi thuế suất ở khối ASEAN bằng 0% thì người nông dân sẽ được lợi từ những nguyên liệu đầu vào và máy móc, vật tư nông nghiệp giảm, từ đó sẽ giúp hạ giá thành sản xuất.
Quá nhiều nỗi lo
“Nhưng song song đó chúng ta cũng phải đối mặt với hàng hóa ASEAN tràn vào VN nhiều. Tôi lo nhất lúa gạo và con tôm của Thái Lan, 2 mặt hàng này họ mạnh lắm, chỉ sợ họ vào chiếm mất thị phần của dân mình” – ông Siêng âu lo. Cùng nỗi lo với ông Siêng, GS-TS Võ Tòng Xuân- chuyên gia nông nghiệp cũng đánh giá rằng năng lực cạnh tranh của hàng hóa mình còn yếu so với các nước trong khối ASEAN, nhất là bên khối ngành nông nghiệp. “Chẳng hạn như mặt hàng đường hiện nay VN đang bán với giá 13.000 – 14.000 đồng/kg trong khi đường của Thái Lan chỉ có giá 7.000 đồng/kg thì thử hỏi làm sao Việt Nam cạnh tranh lại? Tương tự, trái cây, lúa gạo và chăn nuôi cũng là 3 thách thức khác của ngành nông nghiệp nước ta khi hội nhập sâu vào cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng và thế giới nói chung”– GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Hiện ai cũng biết Thái Lan đã vượt trội lên trên VN khi xây dựng được thương hiệu cho các mặt hàng nông sản như lúa gạo, trái cây, thủy sản cũng như có được một công nghệ bảo quản sau thu hoạch tốt, trong khi VN còn lẹt đẹt phía sau. “Không chỉ có Thái Lan, nông sản của mình cũng đang bị các nước Myanmar, Campuchia nhăm nhe vượt qua mặt”- GS Võ Tòng Xuân cảnh báo.
Theo các chuyên gia, việc cắt giảm 1.720 dòng thuế xuống 0% trong năm nay theo Hiệp định ATIGA, sẽ tác động mạnh đến VN trong việc góp phần gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xu hướng dịch chuyển thương mại sang các nước ASEAN. Còn kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến do các nước ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho VN xuống 0% từ năm 2010.