Dân Việt

Mẹo hay để chuẩn bị thức ăn cho cả tuần

26/01/2015 16:37 GMT+7
Nếu bạn phải đi làm thì việc đi chợ mỗi ngày sẽ chiếm nhiều thời gian của bạn. Để có thể chuẩn bị thức ăn cho cả tuần một cách khoa học, hãy thử áp dụng những cách dưới đây.
img

Chuẩn bị thức ăn cho cả tuần sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian. Ảnh minh họa: Internet

Là phụ nữ, bạn là người giữ lửa hạnh phúc cho tổ ấm của mình. Đó là thiên chức thiêng liêng nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Nhất là trong việc bếp núc. Dù bạn phải đi làm tám tiếng một ngày ở công sở hay chỉ ở nhà nội trợ, trừ trường hợp có người giúp việc, nếu không bạn sẽ mất ít nhất 3 giờ mỗi ngày loay hoay ở trong bếp để nấu nướng, dọn dẹp.

Trừ phi bạn muốn trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, còn không thì hãy thu xếp ở dưới bếp nhanh nhất có thể và dành nhiều thời gian quý giá cho những việc quan trọng hơn của cuộc đời mình bằng cách thử áp dụng những "chiêu" sau đây nhé.

Chuẩn bị thức ăn cho cả tuần đúng cách

Khi đi chợ, hãy chọn những thứ đúng mùa, giá cả hợp lý nhất với số lượng mà bạn ước tính ăn trong 1 tuần.

Câu cửa miệng của nhiều bà nội trợ khi đi chợ là: "hôm nay chẳng biết ăn gì". Thật vậy, ngoài mỗi ưu điểm là thức ăn tươi thì việc đi chợ mỗi ngày chỉ làm bạn bối rối, mất thời gian, thậm chí là tốn kém. Nhất là khi hiện nay, hầu hết mỗi gia đình đều có tủ lạnh, việc trữ đồ ăn đã trở nên phổ biến và dễ dàng.

Lên được một thực đơn chi tiết cho cả tuần, sau đó chỉ việc mua mọi thứ cũng là một cách hay, nhưng kế hoạch thì không phải lúc nào cũng thực hiện được vì không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được đầy đủ những loại thực phẩm bạn muốn.

Do vậy, bạn cứ tùy cơ ứng biến. Kinh nghiệm của ông bà ta khi chọn thực phẩm là: mùa nào thức nấy. Khi ra chợ/siêu thị, hãy chọn những thứ đúng mùa, tươi ngon nhất, giá cả hợp lý nhất có thể với số lượng mà bạn ước tính ăn trong 1 tuần (hoặc một khoảng thời gian nào đó tùy thực tế của gia đình bạn). Ví dụ: hôm nay thịt nạc ngon, thay vì mua 100g thịt để nấu 1 bữa canh như lúc trước, bạn hãy mua 200g để nấu thành 3 bữa.

Sau khi đã trữ thực phẩm, bạn sẽ thoát khỏi được "nỗi khổ": hôm nay không biết ăn gì. Lúc này, vấn đề của bạn chỉ còn là tủ lạnh có gì mình chế biến món đó.

Tận dụng sự chuyên nghiệp

Bạn có từng làm sạch 50-70kg thực phẩm các các loại mỗi ngày không? Dĩ nhiên là không rồi. Vậy hãy khéo léo nhờ người bán cá giúp đỡ và áp dụng luôn khi bạn mua tôm, mực, cua, gà,vịt... Nhất là một số loại cá, nhiều người bán còn có thể giúp bạn cắt miếng phi lê để chế biến những món ăn như trong nhà hàng (nếu bạn có sở thích tìm tòi sáng tạo).

Ngoài ra, bạn phải quyết định thật nhanh: với loại cá/thịt này bạn định chế biến như thế nào, chia thành mấy bữa ăn để lập tức nhờ người bán chia thành các phần sẵn. Quyết định này sẽ dựa trên thói quen ăn uống và chế biến của gia đình bạn. Ví dụ: bạn mua 300g thịt bò, thông thường mỗi lần xào, bạn sẽ dùng 100g, vậy hãy nhờ người bán thịt bò cắt sẵn thành 3 phần.

Người bán loại thực phẩm nào thì sẽ có đầy đủ dụng cụ để chia, cắt, làm sạch sơ loại thực phẩm đó, và họ làm chuyên nghiệp hơn chúng ta. Khi về nhà, việc của bạn chỉ là rửa thật sạch và cho vào từng túi/hộp trữ đông.

Sơ chế và trữ đông thật khoa học

Nên chia thực phẩm thành nhiều phần nhỏ và dán ghi chú bên ngoài khi để ngăn đông.

Trường hợp người bán thực phẩm (trừ rau, củ quả cần làm sạch và chế biến ngay để giảm hao hụt vitamin) không giúp bạn và nếu bạn tính được ngay món ăn bạn định chế biến thì khi về nhà, trong quá trình làm sạch thực phẩm, bạn hãy chia/cắt luôn.

Ví dụ: thịt đùi bạn sẽ kho tàu, vậy hãy cắt sẵn thành miếng to; thịt bò làm beefsteak hãy cắt thành lát dày... sau đó mới trữ đông. Dù gì bạn cũng phải đụng đến dao, thớt, thau, rổ... nên hãy làm một lần nhiều thứ. Đến lúc nấu, bạn chỉ cần mang ra rã đông. Hạn chế việc chùi rửa được chừng nào, tốt chừng ấy.

Đối với thực phẩm trong tủ lạnh, nếu bạn không thể nhớ hết mình đã mua những gì thì bạn hãy dùng giấy bút ghi chú bên ngoài từng túi/hộp thực phẩm. Cẩn thận hơn, bạn liệt kê thành một danh sách những thực phẩm hiện có và đính danh sách này lên mặt ngoài tủ lạnh hoặc nơi nào đó trong bếp mà bạn thích.

Mỗi ngày, hãy đánh dấu loại thực phẩm đã hết. Với cách này, bạn đã dành cho bộ não của mình thêm một khoảng trống để lưu trữ những thông tin quý giá khác mà vẫn biết chính xác tủ lạnh nhà mình hôm nay còn gì để ăn.

Đừng để thời gian "chết"

Một trong những điều quan trọng để tiết kiệm thời gian khi vào bếp là phải biết cái gì làm trước, cái gì làm sau và những gì nên làm cùng lúc. Chẳng hạn, để nấu canh tôm với bầu, thứ tự sẽ là chuẩn bị tôm, xào tôm, châm nước, trong khi chờ nước sôi và tôm tiết ra nước ngọt thì chuẩn bị bầu để khi nước sôi thì bầu cũng đã sẵn sàng cho vào nồi.

Còn làm đồng thời thì sao? Trong khi đợi canh chín, hãy chuẩn bị chảo chiên cá, rồi vừa chiên cá vừa tranh thủ làm nước sốt/nước chấm hoặc lau nhà (nếu bạn đã nấu xong). Đừng làm ngược để rồi chờ đợi, đừng để một giây nào trôi qua mà bạn không làm gì cả rồi cứ phải lục đục dưới bếp 8,9 giờ đêm.

Tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những sản phẩm điện tử phục vụ cho nhà bếp ngày càng rẻ. Nếu có điều kiện, bạn đừng bỏ qua cơ hội tiết kiệm thời gian cho mình với sự hỗ trợ của những cánh tay đắc lực này.

Nồi cơm đa chức năng, lò vi sóng, lò nướng, nồi áp suất, máy xay sinh tố... hoàn toàn có thể giúp chúng ta chế biến các món ăn nhanh gọn hơn, ngon hơn. Chẳng hạn, buổi tối bạn vừa tranh thủ dạy con học vừa "bắt" nồi cơm điện đa năng nấu cháo. Con học xong, cháo chín. Sáng mai, chỉ cần đặt cháo vào lò vi sóng vài phút bạn đã có một bữa sáng ngon lành cho các con.

Đừng tạo áp lực "2 đảm đang"

Nhiệm vụ của bạn là chăm lo sức khỏe dinh dưỡng cho cả nhà. Tuy vậy, đừng lấy hết thời gian quý báu buổi trưa, buổi tối để lao vào bếp làm món nọ, món kia.

Bạn đảm đang, mọi người xung quanh bạn đều biết, không nên tạo thêm áp lực cho mình. Chỉ cần mọi thứ vừa đủ, đừng quá cầu kỳ nhiều món phức tạp, đừng quá mất thời gian nghiên cứu, mày mò những món mà chỉ ở nhà hàng mới thực hiện được do có đủ nhân lực và nguyên liệu.

Thay vì vậy, hãy tự hài lòng với chính mình, tự cho mình nhiều thời gian hơn để làm đẹp tâm hồn, vóc dáng, ở bên cạnh trò chuyện và vui đùa cùng những người thân yêu. Đừng tự biến mình thành một cô oshin đầu tắt mặt tối dưới bếp rồi mệt mỏi, cáu bẳn, quát tháo... không ai dám lại gần, cũng chẳng ai ca ngợi.