Thứ trưởng Hải cho biết, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN (Ảnh minh họa)
Ông Hải nói: “Các chuyên gia của WB khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Hiện Ngân hàng Thế giới phải xem xét tình hình tài chính của EVN, giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc có cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không.
“Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”, ông Hải cho hay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để chủ động điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không có cách nào khác là phải tăng đầu tư sản xuất điện trong nước, giảm nhập khẩu (mà trước mắt là giảm nhập điện từ Trung Quốc). Muốn tăng sản xuất điện trong nước, thu hút được đầu tư vào ngành điện thì buộc phải tăng giá điện lên.
Ông Hải cũng cho biết, có 3 phương án về điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công Thương và các bộ ngành tính toán, từ mức tăng thấp đến vừa, cao. Tuy nhiên, tăng giá điện ở mức nào tới đây vẫn cần phải cân nhắc để đảm bảo hỗ trợ người nghèo, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội.
Trước đó, các chuyên gia của WB đã đề nghị từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo quy định cho mỗi chu kỳ 6 tháng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng sẽ chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN. Người phát ngôn Bộ Công Thương nói: “Dù giá điện có được điều chỉnh thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường”.
Trước đó, ông Phạm Lê Thanh-Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, các khoản như lỗ tỉ giá vẫn còn treo 8.800 tỉ đồng, cộng với các chi phí phát sinh từ việc tăng giá than 2 lần, khí, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… đến hết năm 2014 gộp lại các chi phí tăng thêm của EVN bước sang năm 2015 đã lên tới gần 17.000 tỉ đồng phải tính vào giá điện.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương sẽ xem xét phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Theo đó, nếu chi phí đầu vào của EVN tăng 7-10% thì cho phép tập đoàn này được tăng giá điện; nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính thẩm tra trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Được biết, năm 2014, giá bán điện bình quân toàn EVN đã đạt 1.529 đồng/kWh, tăng 30 đồng/kWh so với năm 2013. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 196.370 tỉ đồng, tăng 13,57% so với năm 2013.