Ông Hùng kể, trước khi đến với khi đến với nghề trồng nấm ông từng làm thợ mộc. Chán cảnh làm thuê ăn lương, ông Hùng muốn tìm công việc phù hợp để cả gia đình cùng phát triển kinh tế. Tình cờ năm 2000, xem trên ti vi thấy nghề trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư lại ít và rất phù hợp với điều kiện phát triển ở địa phương, ông bèn khăn gói về tận Viện Di truyền nông nghiệp ở Hà Tây (cũ) để học hỏi cách làm. Hơn 1 tháng “tầm sư học đạo”, sau khi đã thành thạo về kỹ thuật và tìm hiểu kỹ thị trường tiêu thụ, ông về quê đầu tư xây dựng trại lán trồng nấm với diện tích gần 20m2.
Ông Phạm Văn Hùng chăm sóc nấm linh chi trái vụ.
Sau 3 vụ thu hoạch nấm sò, thấy nấm mộc nhĩ và nấm linh chi được thị trường ưa chuộng và cho thu nhập cao, ông Hùng quyết định mở rộng thêm lán, trại với tổng diện tích hơn 2.000 m2 để trồng thêm mộc nhĩ và nấm linh chi. Ngay lần đầu làm ăn lớn, ông bị giáng trận đòn chí tử. Do chưa có kinh nghiệm làm, hơn 4.000 phôi mộc nhĩ của ông bị bệnh trứng cá, ông Hùng bảo bệnh này vô phương cứu chữa, bao nhiêu vốn liếng đầu tư gần như mất trắng. Quyết không thua cuộc, ông lại đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và tự tìm hiểu thêm qua sách báo.
Nhờ nắm vững và áp dụng đúng quy trình sản xuất nấm từ khâu chọn, pha chế nguyên liệu, đến khâu hấp xấy thanh trùng trước và trong khi cấy giống cho đến khâu chăm sóc nên từ năm 2002 đến nay, ông hoàn toàn chủ động được khâu phòng bệnh cho các loại nấm.
Với 8.000 phôi nấm linh chi và 60.000 phôi nấm mộc nhĩ, mỗi năm ông xuất bán hơn 1 tạ nấm linh chi và 4 tấn mộc nhĩ khô. Hiện nay, cơ sở của ông đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 3 công ty chuyên thu mua, chế biến nấm tại các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội và Hưng Yên với giá từ 470.000 - 480.000 đồng/kg nấm linh chi khô, và 110.000 - 120.000 đồng/kg mộc nhĩ khô. Ngoài ra, ông cũng có khoản thu đáng kể từ việc bán hơn 10 tấn nấm sò và bán phôi giống nấm sò.