Dân Việt

Hải Dương: Tòa “nể nang” chính quyền

Lê Chiên 28/01/2015 08:32 GMT+7
Thành phố ban hành quyết định thu hồi đất trái luật, nhưng khi xét xử tòa lại tuyên lửng lơ, đẩy người dân vào chỗ khó, khiến người dân bức xúc.

Để thực hiện Dự án xây dựng tuyến ống xuất nhập – Kho xăng dầu Hải Dương, UBND TP.Hải Dương đã ban hành quyết định “thu hồi tạm thời” đất của một số hộ dân ở phường Việt Hòa, TP.Hải Dương. Vì cho rằng quyết định này là trái luật, nhiều hộ đã có đơn gửi đến Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Những quyết định lạ đời

Ngày 17.9.2012 UBND TP.Hải Dương ban hành Quyết định số 1909/QĐ-UBND thu hồi tạm thời hơn 9.000m2 đất của 38 hộ và đất công điền của UBND phường Việt Hòa, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Thanh. Quyết định này ghi rõ: Thời hạn thu hồi đất 1 năm, kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ.

img
Bức xúc trước quyết định của tòa, ông Phạm Văn Nguyên (trái) cùng Ngô Văn Thủy (phường Việt Hòa, TP. Hải Dương) mang đơn đến Báo NTNN phản ánh. (Ảnh: Lê Chiên)
Tương tự, ngày 17.9.2012, UBND TP.Hải Dương ra Quyết định số 1903/QĐ-UBND “thu hồi tạm thời” 47m2 đất của bà Phượng. Thời gian thu hồi đất 1 năm. Bà Trần Thị Phượng được bồi thường hỗ trợ 705.000 đồng (bao gồm tiền đất mượn 1 năm thi công, chi phí cải tạo đất và cây cối hoa màu). Đây là đất trồng cây hàng năm, đã được cấp sổ đỏ.

 

Nghịch lý ở đây là: Trong khi quyết định thu hồi đất ban hành ngày 17.9.2012 thì quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ của UBND TP.Hải Dương lại ban hành ngày 14.8.2012. Khoản 2, Điều 31, Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định: Sau khi có quyết định thu hồi đất mới ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Đặc biệt, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có quy định “thu hồi tạm thời”…

Tuyên án lửng lơ

Không đồng ý với quyết định thu hồi đất trên, người dân đã khởi kiện đến tòa án, đề nghị hủy quyết định này. Tại Bản án số 02/2014/HC-ST ngày 21.1.2014 của Tòa án nhân dân TP.Hải Dương nhận xét: Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có quy định “thu hồi tạm thời’; Quyết định thu hồi đất tạm thời của UBND TP.Hải Dương là chưa phù hợp về trình tự, thủ tục, hình thức và nội dung; trên cơ sở này tòa tuyên: Quyết định số 1909/QĐ-UBND “là trái pháp luật”.

Trường hợp của bà Phượng, cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng quyết định thu hồi đất của UBND TP.Hải Dương “là không phù hợp với quy định của pháp luật”. Oái oăm nảy sinh chính ở cách tuyên án này. Mặc dù cho rằng “trái quy định của pháp luật”, “không phù hợp với quy định của pháp luật” nhưng tòa lại không đưa ra biện pháp xử lý. Bởi vậy khi người dân đề nghị thi hành án thì bị cơ quan thi hành án từ chối bởi cho rằng không có căn cứ thụ lý đơn yêu cầu.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội): Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 163, Bộ luật Tố tụng hành chính thì tòa phải tuyên hủy quyết định thu hồi đất (cho dù quyền lợi của người bị thu hồi đất vẫn được đảm bảo như nhận định của tòa). Tuyên án lửng lơ như trên là vi phạm tố tụng.

Đây là tình trạng rất phổ biến trong các phiên tòa hành chính, xuất phát từ việc nể nang, né tránh, thậm chí sợ chính quyền nên đẩy người dân vào chỗ khó. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân có quyền đề nghị xem xét lại bản án theo trình tự phúc thẩm (trong trường hợp án sơ thẩm còn trong thời hạn kháng cáo); hoặc giám đốc thẩm (nếu đã có bản án phúc thẩm).

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Quyết định thu hồi đất ghi “Thời gian thu hồi đất 1 năm tính từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường”. Quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND TP. Hải Dương ban hành ngày 14.8.2012. Như vậy ở thời điểm này quyết định thu hồi đất không còn giá trị nữa.