Là chợ quê, nhưng ở đây cũng có khá nhiều mặt hàng, từ hải sản tươi sống do bà con ngư dân mới đánh bắt dưới sông lên, cho đến các mặt hàng gia dụng, rau củ quả... Đa phần trong số các loại mặt hàng đó đều do bà con tự sản xuất, rồi mang ra chợ bán. Mọi người đến mua nhiều nhất là tôm, cá, ốc, hến… làm cái ăn hàng ngày tạo nên không khí nhộn nhịp xung quanh cây bả đậu ở chợ làng.
Với người dân quê tôi, cây bả đậu đã trở thành một cái tên gần gũi, thân thương gắn liền với cái tên của ngôi chợ làng. Nếu đến chợ Xuân Hiệp lần đầu tiên, chắc hẳn ai ai cũng phải ấn tượng về cây bả đậu này, dù không được chăm sóc, bón phân nhưng lá vẫn xanh tốt, tạo dáng tròn xoe độc đáo.Tuy cây không quá to cao như những loại cây khác mà ta vẫn thường thấy ở những nơi công cộng, nhưng không hiểu sao chỉ quanh bóng cây bả đậu này mọi hoạt động diễn ra tại chợ luôn tấp nập, "mua may, bán đắt", "mua nhanh, bán chóng".
Cây bả đậu tán tròn xoe như sự minh chứng cho phát triển của chợ.
Chị Lê Thị Út (50 tuổi) ngụ xã Xuân Hiệp cho biết: “Cây bả đậu ấy tầm 20 năm tuổi rồi, lúc nhỏ nó cũng bình thường như bao cây khác nhưng khi lớn lên, dáng nó tròn xoe rất đẹp. Tôi có thói quen đi chợ vào buổi sáng và cũng ở gần chợ nên chứng kiến sự trưởng thành của cây bả đậu này. Khi cây lớn, tán rộng hơn thì mọi người đến đây mua cá không sợ ánh nắng nữa, cây tỏa bóng mát rợp cả một khoảng ở giữa chợ”.
Theo chia sẻ của bà con trong chợ, hoạt động mua bán thủy sản của người dân ở đây đều xoay quanh tán cây bả đậu. Các mặt hàng khác thì diễn ra trong nhà lồng chợ nhưng cá, tôm, cua, ốc… thì cứ đến gốc bả đậu là có liền. Lúc trước, cái sân chợ này ít người mua bán nhưng theo thời gian cây bả đậu lớn lên, tán xòe rộng, mọi người trao đổi mua bán nhiều hơn. Cây bả đậu như vô tình, đã trở thành nhân chứng sống động cho sự đổi thay và phát triển của người dân quê chúng tôi.
Chị Út chia sẻ: “Trước đây, chợ Xuân Hiệp quê tôi nghèo lắm, đi khắp chợ có thể đếm được chỉ vài ba mặt hàng, vì vậy tôi thường lên chợ huyện để mua hàng. Nhưng vài năm nay, chợ xã đã phát triển chóng mặt, đặc biệt là hoạt động mua bán quanh tán cây bả đậu. Mọi người cho rằng, nếu sau này cây bả đậu to hơn thì hoạt động của cái chợ này cũng sôi nổi, nhộn nhịp hơn”.
Theo lời của 1 số bà con trong chợ, cây bả đậu trước ngôi chợ này được xem như linh hồn của người dân trong xã. “Cho dù mọi thứ trong ngôi chợ này thay đổi, cây bả đậu cứ vẫn đứng yên để minh chứng cho bao sự chuyển mình, phát triển. Đi chợ xong mọi người cũng có thể đứng dưới gốc cây mà hóng mát, tán gẫu, còn gì thú vị cho bằng”.
Được biết, có lần Ban quản lí chợ định đốn bỏ cây bả đậu để phục vụ cho các hạng mục xây dựng của chợ; nhưng với sự phản ứng của bà con thì cây bả đậu vẫn còn đấy, xoè bóng râm mát giữa chợ làng.
Chia tay chợ Xuân Hiệp trong một buổi chiều tà, cây bả đậu vẫn đứng đấy tạo dáng tròn xoe như để che chở cho người dân mua bán. Mọi người vẫn nhộn nhịp trao đổi hàng hóa cho nhau dưới tán cây bả đậu. Âu đó cũng là hoạt động diễn ra bình thường, nhưng lại rất hấp dẫn đối với những ai mới lần đầu đặt chân đến nơi đây.