Dân Việt

Gặp chàng nghệ sĩ từng xăm mình cho Uyên Linh

Hạ Vũ 29/01/2015 05:00 GMT+7
Hoàng Mosskow từng xăm hình cho nhiều người nổi tiếng như: Uyên Linh, Lâm Chi Khanh, Vy Thúy...

Không đếm xuể hình xăm trên người

Tôi gặp Hoàng Mosskow (nghệ danh của Minh Hoàng) vào một ngày đầu năm đẹp trời trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Dù đã thấy ảnh của anh trên mạng, tôi vẫn không giấu được sự tò mò muốn nhìn tận mắt con người đặc biệt này. Ngoài đời, anh khá trẻ trung dù sinh năm 1974, những hình xăm giấu sau lớp áo khoác vẫn thấp thoáng ở mu bàn tay, trên cổ…

img
Nghệ sĩ xăm mình Hoàng Mosskow.

Anh rất cá tính với mái tóc dài, khuyên nong tai màu đen to bản… Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là Hoàng khá điềm đạm, nhẹ nhàng, khác nhiều với suy nghĩ ban đầu của tôi khi xem qua ảnh. Bằng chất giọng nhỏ nhẹ đó, Hoàng bắt đầu kể về con đường dẫn anh tới với nghệ thuật xăm.

Hoàng Mosskow mê xăm từ khi còn nhỏ do thích nhạc Rock. Chính hình xăm trên cơ thể các nhạc công nước ngoài đã để lại ấn tượng sâu sắc cho anh. May mắn hơn nhiều người, Hoàng có được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình. Cha anh, người cũng có hình xăm trên cơ thể đã khuyến khích con mình: “Sống ở đời được làm chuyện mình thích mới ‘đã!”

Từ thời điểm đó, Hoàng đã nhờ bạn bè xăm lên cơ thể mình. Hình đầu tiên mà anh có là dòng chữ “Give – Take” (Cho – nhận) ở phía sau lưng bởi anh tin rằng cuộc sống có nhận thì cũng phải cho đi. Mỗi hình xăm sau này của Hoàng đều gắn với một kỷ niệm và tới nay chúng đã phủ kín gần như khắp người anh, kết thành một khối khiến anh chẳng còn nhớ nổi mình có bao nhiêu hình nữa.

Hình xăm có ý nghĩa nhất đối với Hoàng là họa tiết chim lạc trên cổ. Hình ảnh mô phỏng họa tiết trống đồng Việt này được rất nhiều bạn bè quốc tế tán thưởng khi anh tới dự một cuộc thi ở nước ngoài. Tiếp nối cảm hứng Á Đông, Hoàng tiếp tục xăm thêm những hình ảnh: Mai, lan, cúc, trúc – loài hoa đại diện cho 4 mùa ở Việt Nam, cá chép vượt vũ môn – một truyền thuyết khởi nguồn từ sông Dương Tử, Trung Quốc…

img

2 chữ "Give - Take" - hình xăm đầu tiên của Hoàng.

Có một điều dễ nhận thấy là đối với Hoàng, chữ “tình”, “duyên” khá quan trọng. Hầu hết những hình trên cơ thể anh đều là do anh em, bạn bè xăm lên. Có những hình nét vẽ chưa đẹp, mực xăm xấu nhưng anh chưa bao giờ trách móc người xăm. Hoàng cũng không có ý định sửa mà giữ lại làm kỷ niệm bởi “tình cảm mới là điều đáng quý nhất!”

Cũng giống như những người đi đầu một trào lưu, Hoàng Mosskow từng hứng chịu ánh mắt dị nghị của mọi người, nhất là vào thời điểm cách đây 7, 8 năm, khi anh mặc áo cộc tay đi trên phố Sài Gòn. Bây giờ, cách nhìn của họ đã khác đi, nhưng ở những vùng quê thì vẫn vậy. Ban đầu Hoàng thấy khó chịu, nhưng sau đó thì quen dần.

Cứ vài tháng, anh lại đi từ thiện ở những miền quê xa. Khi mới xuất hiện, những đứa trẻ trong làng có đôi chút sợ hãi, nhưng rồi dần trở nên thân thiết hơn… “Đã xăm mình, là thợ xăm thì càng cần giữ hình ảnh đẹp” – Đó cũng là tôn chỉ trong nghề mà Minh Hoàng nhắc lại nhiều lần trong suốt cuộc nói chuyện.

img

img

Xăm mình cho khách hàng.

“Xăm mình thì phải ăn mặc đẹp!”

Tuy đam mê xăm từ khi còn rất sớm, nhưng ban đầu, Hoàng từng gắn bó với một nghề bình thường như bao người khác: Kinh doanh điện tử. Thế nhưng, cái duyên rất lớn vẫn dẫn dắt anh trở lại với sở thích thuở nhỏ. Trong một lần làm việc ở Nhật, Hoàng có cơ hội học hỏi kiến thức từ những người thợ xăm lâu năm, và ngọn lửa yêu nghề lại bùng lên trong anh.

Bỏ hết cơ nghiệp kinh doanh từng gây dựng, Hoàng tìm đến với nghề xăm chuyên nghiệp. Anh tâm sự: “Tôi không thích kinh doanh, vì nhức đầu quá, đôi khi như lừa đảo vậy, phải tính toán nhiều. Còn nghề xăm là vẽ lên ước mơ của mọi người, là sống bằng chất xám và đôi bàn tay.”

Tin rằng một người nghệ sĩ khó thành công nếu luôn giữ đầu óc tính toán, Hoàng luôn chú tâm vào công việc của mình. Ở tiệm xăm riêng tại TP.HCM, anh không buôn bán thêm bất cứ một thứ gì khác, khách hàng đến với Hoàng chỉ để xăm mình mà thôi.

Để thay đổi cách nghĩ về nghệ thuật xăm, người nghệ sĩ này bắt tay vào việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn dến cái nhìn thiển cận của nhiều người. Theo những gì anh nghiên cứu thì ở Sài Gòn cách đây 7, 8 năm, cứ 10 người ở độ tuổi từ 17 đến 45 thì chỉ có 3 người có hình xăm. Trong đó, tới 2 người từng có án, ở trại về. Chính vì thế mọi người mới thành kiến với hình xăm, thợ xăm.

“Hình xăm không có lỗi, chỉ có người xăm mà thôi!” – Anh khẳng định. Chỉ vì những người xăm mình khi xưa làm chuyện xấu nên bao lỗi lầm hình xăm mới gánh hết. Muốn thay đổi suy nghĩ về xăm, chỉ có cách tự thay đổi bản thân trước.

“Tôi luôn dặn mình và anh em trong nghề là đã xăm mình, làm nghề xăm thì phải ăn mặc đẹp.” Đẹp trong quan niệm của người thợ xăm này là cá tính nhưng sạch sẽ. Hoàng cho rằng khi người ta mặc đẹp, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn trong công việc bởi mình vui vẻ, tự tin hơn vào bản thân.

img
img
Phong cách "bụi" với nhiều phụ kiện rất hợp với cá tính của Hoàng.

Tâm niệm điều này nên anh lựa chọn rất kỹ trang phục. Để phù hợp với phong cách, anh thường mặc đồ “bụi” một chút như quần jeans, áo phông… nhưng tuyệt đối không tuềnh toàng. Anh cũng kết hợp chúng với nhiều phụ kiện cá tính khác như: Vòng cổ, nhẫn, nong tai…

Không chỉ tìm cách làm đẹp vẻ ngoài, Hoàng luôn giữ gìn đạo đức trong nghề và trong đời. “Tôi tin rằng những người xăm nhiều hầu hết đều hiền lành. Bản thân tôi cũng luôn dặn dò những lớp đàn em là ngay khi có xích mích gì, hãy luôn xin lỗi trước. Đó cũng là cách để giữ gìn hình ảnh đẹp của một người sở hữu hình xăm trên cơ thể.

Tính cách kiên nhẫn, hòa nhã đó mang lại những điều tốt đẹp, cho cả nghề nghiệp mà những thợ xăm trẻ đang theo đuổi. Khó xăm đẹp nếu không kiên trì!” – Hoàng bộc bạch.

Với suy nghĩ mỗi hình xăm đều kể một câu chuyện về cuộc đời, trước khi đặt mũi kim xăm lên cơ thể khách hàng, người nghệ sĩ này luôn dành thời gian để lắng nghe câu chuyện của họ. Đó là cách làm mà Hoàng học hỏi được về những người thày của anh ở Nhật.

img
Trước khi xăm, Hoàng luôn lắng nghe câu chuyện của khách hàng.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Là một trong những người đầu tiên đến với nghề xăm ở Việt Nam, Hoàng phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, tốn kém: Từ máy xăm, mực xăm tới phí theo học… Năm 2007, vì quá mê một chiếc máy xăm nước ngoài, anh đặt mua về Việt Nam với giá 550 đô la (hơn 11 triệu đồng) – mức giá không nhỏ vào thời điểm đó.

Hoàng cũng phải học vẽ và thường xuyên trau dồi các trào lưu, xu thế mới. Vẽ lên giấy đã khó, vẽ lên da lại càng khó hơn. Theo anh, khó khăn lớn nhất của nghề này là phải đảm bảo mực ăn đầy đủ trên da, để hình phù hợp với từng khách hàng. Việc cầm máy xăm liên tục nhiều giờ cũng làm hao tổn sức lực. Có những lần xăm xong, đôi tay của anh run lên, tới độ không cầm nổi cây đũa.

Một trong những hình xăm của Hoàng Mosskow được nhiều người biết tới là một phần trên lưng của Vy Thúy – nữ thợ xăm nổi tiếng hiện đang sống tại Đức. Vào thời điểm đó, để cải thiện hình ảnh của nghệ sĩ và người xăm mình, Hoàng và một vài người bạn đã lên ý tưởng chụp bộ ảnh này.

img

img

Bộ ảnh Hoàng Mosskow chụp cùng nữ thợ xăm nổi tiếng Vy Thúy.

img
Hoàng Mosskow từng thực hiện 2 hình xăm cho Uyên Linh: hình bông hoa ở cánh tay và chiếc lông vũ ở phía sau lưng.

Hình ảnh mà họ muốn mang lại là một người phụ nữ xăm mình sexy, cá tính thay vì một kẻ ngỗ nghịch, hư hỏng. Đây cũng là lý do anh thường xăm cho những người nổi tiếng như Uyên Linh, Lâm Chi Khanh… để tạo tiếng nói, tầm ảnh hướng tới số đông, thay đổi nhận định về xăm.

Bộ ảnh chụp Vy Thúy nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ Việt tán thưởng. Sau này, do không có thời gian nên Hoàng chưa thể thực hiện thêm những bộ ảnh khác. Tuy nhiên, anh vẫn luôn tâm niệm một mơ ước: Xây dựng hình ảnh đẹp của những nghệ nhân và người yêu thích xăm, để xăm mình trở thành một môn nghệ thuật đáng trân trọng.