Tiếp tục tìm kiếm
Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia (BASARNAS) Bambang Soelistyo hôm nay tuyên bố, các hoạt động tìm kiếm nạn nhân sẽ tiếp diễn thêm ít nhất một tuần.
"Trong vòng một tuần, chúng tôi sẽ đánh giá lại hoạt động tìm kiếm tùy thuộc vào kết quả mà chúng tôi thu được. Nếu chúng tôi có thể tìm thấy một, hai thi thể nạn nhân hoặc nhiều hơn, chúng tôi sẽ cân nhắc việc kéo dài thời gian tìm kiếm", ông Bambang Soelistyo tuyên bố trước báo giới.
Quân nhân Indonesia mang quan tài của các nạn nhân xấu số
Một ngày trước, 27.1, quân đội Indonesia tuyên bố hoạt động trục vớt các mảnh vỡ của máy bay QZ8501 đã chính thức kết thúc sau 30 ngày xảy ra thảm kịch khiến toàn bộ 162 người trên máy bay tử nạn.
Quân đội đã rút khỏi khu vực tìm kiếm chiếc máy bay xấu số bị rơi xuống biển Java hôm 28.1 và gửi lời xin lỗi gia đình các nạn nhân vì không thể làm gì hơn.
Chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia sau thảm kịch QZ8501 đến nay mới vớt được 70 thi thể từ dưới biển Java. Lực lượng cứu hộ kỳ vọng sẽ tìm thấy nhiều thi thể hơn sau khi tìm thấy thân máy bay. Tuy nhiên, thời tiết quá khắc nghiệt, cản trở tầm nhìn dưới nước khiến nỗ lực trục vớt thân máy bay cũng như thi thể các nạn nhân.
Hy vọng mong manh
Đến nay, cho dù nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân vẫn tiếp diễn, song hy vọng tìm thấy 92 nạn nhân vẫn còn mất tích rất mong manh. Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia cho hay, các thi thể nạn nhân còn lại có thể đã bị cuốn trôi hoặc bị chôn vùi dưới đáy biển.
"Họ có thể đã bị chôn vùi dưới đáy biển, hoặc đã bị sóng và dòng hải lưu chảy siết cuốn trôi", ông SB Supriyadi, người điều phối chiến dịch tìm kiếm cho hay.
Các thợ lặn kiểm tra trang thiết bị để chuẩn bị lặn xuống biển tìm kiếm các nạn nhân thảm kịch QZ8501
Quân đội Indonesia đã điều động một lượng lớn nhân sự và trang thiết bị cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trong suốt một tháng qua. Đến nay, các nguồn lực cho hoạt động này đã bị rút bớt, chỉ còn duy trì 3 máy bay, một số tàu chiến và thợ lặn.
Giới chức Indonesia cho hay, các đội tìm kiếm và cứu hộ đang được nghỉ 2 ngày sau những tuần vật lộn với bão tố và sóng dữ để thực thi nhiệm vụ của họ. Một số thợ lặn đã tỏ ra đuối sức, một số khác bị ốm vì không được nghỉ ngơi đủ lâu sau mỗi đợt lặn.
Gia đình nạn nhân mong mỏi kéo dài chiến dịch tìm kiếmAnh Dariyanto, người có vợ chồng em gái vẫn đang mất tích sau thảm kịch QZ8501 chia sẻ, anh hy vọng, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong thời gian càng dài càng tốt.
"Chúng tôi rất cảm ơn các nhân viên cứu hộ, nhưng đứng trên lập trường là thân nhân của nạn nhân, chúng tôi vẫn mong muốn tìm thấy thi thể của người thân bằng mọi giá. Chúng tôi hiểu, nhiều người có thể sẽ không được tìm thấy. Nhưng chúng tôi chấp nhận mọi giá, mọi điều kiện để tìm được th thể người thân", anh Dariyanto nghẹn ngào chia sẻ.
Trong khi đó, chồng của một nạn nhân có mặt trên chuyến bay xấu số QZ8501 đã túc trực tại trung tâm khủng hoảng dành cho gia đình các nạn nhân ở Surabaya trong suốt cả tháng qua cho biết, nguyên vọng duy nhất của anh là tìm được thi thể người vợ thân yêu để đưa về nhà an táng.Chuyến bay QZ8501 đã rơi xuống biển Java vào ngày 28.12 trong điều kiện thời tiết có bão khiến toàn bộ 162 người có mặt trên khoang thiệt mạng. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Indonesia Ignasius Jonan mới đây tuyên bố, chiếc máy bay đã đột ngột tăng độ cao bất thường và sau đó chết máy giữa không trung trước khi lao thẳng xuống biển.
Trong một động thái liên quan, Reuters dẫn lời các nhà điều tra Indonesia hôm 27.1 đưa tin, báo cáo sơ bộ về thảm kịch AirAsia QZ8501 mà họ sắp công bố sẽ không bao gồm bản phân tích dữ liệu hộp đen.
Báo cáo nói trên chỉ bao gồm "thông tin về máy bay, số lượng hành khách và các thông tin khác tương tự. Báo cáo sẽ bao gồm các thông tin phân tích các máy ghi âm dữ liệu chuyến bay và buồng lái đã được thợ lặn trục vớt dưới biển Java", Reuters dẫn điều tra viên Suryanto cho hay.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) dự kiến trình kết quả điều tra ban đầu cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế trong tuần này.