Dân Việt

Không ổn nếu EVN chỉ trông chờ vào tăng giá điện

Mai Hương (thực hiện) 29/01/2015 13:00 GMT+7
“Hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa hiệu quả lắm, tỷ suất lợi nhuận còn thấp. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào việc tăng giá điện sẽ không thể khiến ngành điện phát triển vững mạnh”.

Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã thẳng thắn nói như trên khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN.

Thưa ông, giá thành sản xuất điện của EVN hiện nay được tính trên cơ sở nào?

img
Công nhân lắp công tơ điện trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
- Giá thành điện là giá sản xuất ra 1kWh được tính hết bao nhiêu tiền trên cơ sở giá thành vật liệu như than, dầu, khí, nước. Trong thủy điện thì bao gồm cả chi phí của rừng, thuế mặt hồ cộng vào. Tiếp đó là các chi phí về nhân công, vận hành, quản lý, khấu hao máy móc, thuế… Rồi giá thành còn phải tính cả phí truyền tải, phí phân phối, người vận hành, tổn thất điện năng, chi phí nuôi bộ máy… Tất cả “các khoản” này cộng lại sẽ ra giá thành sản xuất điện. Tôi xin khẳng định, giá thành sản xuất điện hiện nay không thể gian lận được.

Vậy lâu nay EVN nói giá điện đang dưới giá thành có hợp lý không?

- Tính đến hết năm 2014 thì đúng là EVN đang lỗ. Như tập đoàn này đã công bố, lỗ lũy kế của họ đến hết năm 2014 lên tới 16.800 tỷ đồng chưa tính vào giá điện. Nếu tính đầy đủ các chi phí này vào thì đúng là giá điện hiện ở dưới giá thành. Tuy nhiên, nếu tính chung theo từng năm qua thì hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN không phải lúc nào cũng lỗ, có năm lỗ, có năm lãi. Năm nào mà nước dồi dào, thủy điện sản xuất được nhiều thì lãi, ngược lại là lỗ. Điểm đáng chú ý là dù cũng có năm có lãi song tỷ suất lợi nhuận của EVN là thấp và ngày một thấp, trong khi họ cần phải lãi đủ để phát triển đầu tư.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN hiện nay?

Quan điểm
img
Ông Trần Viết Ngãi
  Nếu chỉ trông chờ vào việc tăng giá điện sẽ không thể khiến ngành điện phát triển vững mạnh. Giảm giá thành điện phải được đặt lên hàng đầu bằng cách tiết kiệm chi phí không cần thiết. 
- Hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN có thể nói là chưa tốt, tỷ suất lợi nhuận còn thấp. Nguyên nhân chính do giá thành điện của EVN hiện nay vẫn cao, chưa tiết giảm được trong khi giá bán điện thấp. EVN đang gặp phải “gánh nặng đầu tư” quá lớn vì tiền đầu tư hiện nay của họ chủ yếu đi vay. Do vậy, nếu không tái cơ cấu, tiết kiệm trong đầu tư thì vô cùng khó khăn. Tôi chỉ ví dụ, nếu giá điện tăng 9,5%, tức tăng 100 đồng/kWh thì EVN cũng chỉ có thể thu về được khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng từ tiền tăng giá điện. Trong khi, đầu tư của EVN hiện nay lên tới 130.000 tỷ đồng/năm, nếu chỉ tiết kiệm 1% trong đầu tư này thì EVN đã có ít nhất cả chục nghìn tỷ đồng.

 

Vậy tại sao ngành điện không thu hút nhiều các thành phần tư nhân, nước ngoài… đầu tư vào để cải thiện gánh nặng đầu tư quá lớn, thưa ông?

- Đầu tư tư nhân, nước ngoài vào ngành điện hiện nay là khó khăn. Giá thành đầu tư quá lớn trong khi đầu ra lại thấp, không có lãi. Tính toán sơ bộ của tôi, giá bán điện hiện nay của ta là hơn 1.500 đồng/kWh nhưng chi phí đầu tư 1 kWh mất ít nhất cũng 1.600-1.700 đồng/kWh thì nhà đầu tư không có lãi, không khấu hao, hoàn vốn được.

Vận hành phải có lãi thì mới chuyển giao được dự án, nhưng không lãi thì lấy đâu ra nhà đầu tư muốn đầu tư. Hiện các chi phí như than, khí vẫn không ngừng tăng lên, chỉ có dầu giảm, nếu cứ chờ lãi ở thủy điện thì biết bao giờ EVN mới đủ vốn để đầu tư, và ngành điện mới thu hút được đầu tư.

Như vậy, liệu chỉ còn cách tăng giá điện mới “cứu” được EVN, hay còn phương án nào khác, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, song song với tăng giá điện phải đi kèm với các giải pháp tái cơ cấu, giảm giá thành, chi phí của ngành điện mới có thể cải thiện được tình hình của EVN hiện nay. Nếu chỉ trông chờ vào việc tăng giá điện sẽ không thể khiến ngành điện phát triển vững mạnh. Giảm giá thành điện phải được đặt lên hàng đầu bằng cách tiết kiệm chi phí không cần thiết. EVN phải tinh giảm bộ máy. Tôi được biết với khoảng 110.000 người đang làm trong ngành điện so với lượng MW điện họ sản xuất, quản lý hiện nay (khoảng trên 142 tỷ kWh, điện sản xuất và mua tính đến hết năm 2014 -PV) thì số lượng người này quá đông. Đặc biệt EVN phải giảm được chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, tiết kiệm điện năng, giảm tổn thất điện năng…

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính): Giá điện tăng bao nhiêu cũng không đủ

EVN phải giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống nữa, tiết giảm chi phí một cách hợp lý. Ngoài ra, cần xem xét phương án cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện chứ không nên chỉ tính đến việc tăng giá điện. Giá điện tăng bao nhiêu cũng không đủ để EVN cải thiện đầu tư và là đủ với ngành điện, trong khi tác động tới xã hội, đời sống người dân là rất lớn. Thực tế, vấn đề nhiều người dân quan tâm không phải là việc có tăng giá điện hay không mà quan trọng hơn là giá điện có minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho cả nền kinh tế, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng? Việc công khai thông tin về giá điện là việc làm cần thiết và có lợi cho ngành điện. Bởi lẽ, nếu giá thành sản xuất được công khai minh bạch, sẽ giúp khách hàng sẽ được giám sát một cách rõ ràng các chi phí đầu vào của EVN, từ đó mới có cơ sở cho việc tính toán giá bán điện (đầu ra). Khi đó, nếu giá điện điều chỉnh theo cơ chế thị trường thì tránh được những thắc mắc, hoài nghi không đáng có.

Lê Hoàn (ghi)
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:Sớm minh bạch giá thànhBộ Tài chính, Bộ Công Thương cần đặt 

ra vấn đề tỷ trọng mua điện từ nguồn thủy điện như thế nào để giảm giá bình quân đầu vào, hay như năng lực quản trị của EVN, nỗ lực giảm tổn thất điện năng, chi phí sản xuất ra sao… để khẳng định việc tăng giá của EVN là hợp lý hay không. Khi giá thành được công bố rõ ràng thì mọi vấn đề sẽ minh bạch hơn.

Thực tế hiện nay cộng đồng DN vẫn còn khó khăn, thu nhập của người dân vẫn thấp, nếu tăng giá điện vô hình trung không gỡ khó được cho các đối tượng này. Điện là đầu vào của rất nhiều ngành, lĩnh vực, giá điện tăng sẽ đẩy chi phí cho các DN lên, khả năng cạnh tranh DN giảm đi và chính vì thế mới phải cân nhắc.

Nguyễn Phương (ghi)