Dân Việt

Thái Nguyên: Cả làng nuôi ngựa bạch, tậu được nhà lầu, xe hơi

Nghi Xuân - Gia Đình Việt Nam 27/01/2014 17:04 GMT+7
Thời ấy, người dân làng Thẩm khổ sở lắm, họ cứ mãi loay hoay trong cái đói cái nghèo. Những con bạch mã tuyệt đẹp ấy đã thổi một luồng sinh khí khiến kinh tế người dân lạng Thẩm phất lên như diều gặp gió. Giờ đây, nhiều gia đình đã có nhà cao cửa rộng, sắm được cả ô tô.

img
Nhờ nuôi ngựa bạch, vợ chồng bà Mùa có cuộc sống no ấm

Bén duyên với ngựa bạch

Dương Thành là một xã thuần nông, cuộc sống người dân hết sức khó khăn. Thế nhưng trong vài năm gần đây kinh tế của các hộ gia đình nơi đây phất lên nhanh chóng. Ông Đào Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngựa bạch khi gặp chúng tôi hồ hởi kheo rằng: “Bây giờ làng này là “trùm” ngựa bạch, có lẽ trên cả nước chẳng đâu sánh bằng. Hàng chục hộ gia đình đã xây được nhà cao tầng, thậm chí còn mua cả ô tô. Ngựa bạch của chúng tôi được chăm sóc rất khoa học nên đạt chất lượng tuyệt hảo. Đơn đặt hàng cứ tới tấp gửi về. Ngựa bạch thật sự đã giúp người dân nơi đây đổi đời…”.

Theo ông Thắng, cơ duyên ngựa bạch đến với làng đó là vào năm 1974, do ông Dương Tề, một người dân làng Thẩm mang về. Khí ấy, làng Thẩm nghèo lắm! Kinh tế các hộ gia đình không đủ ăn. Dân trong làng khi ấy cứ loay hoay trong cái đói, cái nghèo, chưa tìm ra lối thoát. Thế rồi, trong một lần nghe tin có người giàu lên nhờ nuôi ngựa bạch, ông Tề day dứt lắm. Thế là, trong một buổi sáng sớm, khi người dân làng Thẩm vẫn còn say giấc, ông Tề lặng lẽ khoác ba lô đi học kiến thức về nuôi ngựa bạch. Khi có chút kiến thức trong tay, ông Tề lên tận Cao Bằng, Điện Biên để “săn ngựa” mang về làng.

“Tôi còn nhớ, khi ông Tề mang ngựa về, trẻ con người lớn kéo đến xem rất đông. Nhiều người thấy lạ lắm bởi lần đầu tiên được xem, được sờ vào con ngựa có màu lông trắng, mắt hồng, vó dáng thanh thoát. Khi ấy, nhiều người đến xem thỏa nỗi tò mò chứ có ai nghĩ đến nuôi loài vật này để làm giàu đâu” – Ông Thắng cho hay.

Thế rồi, việc gia đình ông Tề nhờ nuôi ngựa bạch mà kinh tế phất lên nhanh chóng khiền nhiều người thán phục lắm. Khi ấy, những người nhanh nhạy đã thấy léo lên tia hy vọng giúp làng Thẩm thoát nghèo. Không lâu sau, mô hình nuôi ngựa bạch bắt đầu được nhân rộng khắp làng Thẩm. Thấy được sự phát triển của việc nuôi ngựa bạch, năm 2008 làng Thẩm dựng Hội chăn nuôi ngựa bạch. Thế nhưng mô hình này, do chưa có pháp nhân, chưa được nhà nước bảo hộ nên chẳng phát huy được thế mạnh. Vậy là các hộ dân nuôi ngựa bạch ở làng Thẩm đã đồng tầm nhất trí cùng nhau xây dựng mô hình Hợp tác xã. Đến thời điểm này, làng Thẩm đã có hơn 40 hộ chăn nuôi tham gia vào Hợp tác xã.

Ông Thẳng cho biết, chất lượng nuôi ngựa bạch ở làng Thẩm mổi tiếng đến nỗi người dân khắp nơi tìm về đặt hàng. Để cung ứng cho khách, Hợp tác xã ngựa bạch ở làng Thẩm đã thống nhất chia làm 4 đội để phát huy thế mạnh. Đó là đội sinh sản (chuyên nuôi ngựa đẻ); chế biến (nấu cao); thương phẩm (làm thịt ngựa) ; khai thác (đi khắp nơi tìm ngựa giống)…

Ông Dương Văn Bách, một trong những hộ nuôi ngựa thuộc dang có “tiếng” ở xã Dương Thành cho biết: “Ngựa bạch đúng tiêu chuẩn phải đáp ứng được tiêu chí “4 trắng” (da trắng, lông trắng, móng trắng và mõm trắng). Đồ ăn, nước uống, kỹ thuật nuôi ngựa bạch giống nuôi ngựa nâu, xám như cỏ, ngô, khoai, sắn và thức ăn mát như rau, chuối. Nhưng đến kỳ động dục, ngụa đực, cái phải được giám sát chặc chẽ, đảm bảo ngựa đực phối giống phải ngựa bạch. Nếu lỡ may, ngựa đực phối giống ngựa nâu, xám coi như “xôi hỏng bỏng không”, bởi ngựa con lai tạp giá trị kinh tế rất thấp”.

Phất lên nhờ “bạch mã”

Được biết, việc nuôi ngựa bạch ở làng Thẩm bây giờ phát huy tốt, không ở đâu bằng. Ngoài việc nấu cao, nuôi lấy thịt, bán giống thì ngựa bạch ở đây còn được Bệnh viện 103, Viện Huyết học Trung ương về đặt hàng lấy máu làm huyết thanh.

Ông Thẳng cho hay, ngựa bạch hay mắc một số bệnh tụ huyết trùng, siêu mao trùng, ký sinh trùng máu nên quá trình chăm sóc cần có các kiến thức nhất định về thú y, phòng chữa bệnh cho ngựa kịp thời. Khi nuôi ngựa phải tính được thời gian mang thai, dấu hiện “cắn ổ” để kịp thời đỡ đẻ, tiêm kháng sinh, tiêm phòng vắc xin…

Theo các hộ chăn nuôi ngựa bạch, giá một con giống ở thời điểm hiện tại (khoảng 6-7 tháng tuổi) từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/con. Ngựa một năm rưỡi tuổi trở lên là có thể xuất chuồng với giá 50 – 70 triệu đồng/con. Nếu nuôi một con ngựa cái lấy giống thì mỗi năm thu lãi trên 20 triệu đồng còn nuôi ngựa thịt thì mỗi tháng cũng được đôi ba triệu một con.

Nhờ nuôi ngựa bạch, một số hộ dân ở Dương Thành đã trở nên khá giả, nhiều gia đình sở hữu gần 20 con ngựa bạch có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình ông Dương Văn Mùa. Trước đây chưa nuôi ngựa bạch cuộc sống gia đình ông hết sức khó khăn. Sau khi vợ ông Mùa qua đời để lại hai đứa con thơ khiến cuộc sống của gia đình trở nên bi đát hơn bao giờ hết. Khi ông đi bước nữa, tình hình cũng chẳng khá hơn là bao.

Thấy vậy, nhiều người tình nguyện tham gia góp vốn đầu tư mua ngựa giống cho ông tham gia vào Hợp tác xã nuôi ngựa bạch. Ông Mùa bén duyên với nghề nuôi ngựa bạch từ đó. Chỉ trong một thời gian ngắn nuôi ngựa bạch gia đình ông lại phất lên nhanh chóng. “Lợi nhuận từ nuôi ngựa bạch giúp chúng tôi có thu nhập cao. Bây giờ gia đình tôi đã khấm khá lên, kinh tế không phải lo như trước nữa. Đặc biệt, vợ chồng tôi đã xây được nhà cao tầng, mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi cần thiết phục vụ sinh hoạt và sản xuất”, ông Mùa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi.

Hàng loạt ngôi nhà cao tầng, khang trang đua nhau mọc lên ở làng Thẩm hẳn là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả kinh tế nhờ loại bạch mã quý giá này. Trên đường dẫn chũng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hoan – một gia đình tiêu biểu ở làng Thẩm đã giàu lên nhờ nuôi ngựa bạch, ông Thẳng khoe rằng: “Trước đây vợ chồng anh Hoan nghèo, túng thiếu. Vậy mà từ ngày bén duyên với ngựa bạch, gia đình anh thuộc vào hộ khá giả nhất vùng, có nhà cao tầng, có xe ô tô đi đấy…”