Không ai biết rõ mai có từ bao giờ, nhưng có lẽ ngay từ thời tạo thiên lập địa, mặt đất có cỏ cây, thì hẳn là mai đã hiện diện như muôn loài thực vật khác. Sơ khai, chưa chắc mai đã nhiều, lâu ngày, nhờ thiên di, thích hợp với khí hậu, môi trường, mai phát triển thành rừng.
Với vóc dáng gầy guộc, cứng cát mà thanh thú của thân, và nét duyên dáng yểu điệu như xử nữ của cành, mai càng già (lão mai) càng có phong cách:
"
Càng thuở già càng cốt cách/ Một phen giá, một tinh thần" - (Nguyễn Trãi, Thơ mai)
Cây mai Tết
Hoa mai chẳng những đẹp mà màu sắc lại luôn tươi thắm, không phai nhạt, héo úa. Đến thời kỳ rơi rụng, mai vẫn có sức cuốn hút kỳ diệu. Nguyễn Trãi ví những cánh hoa rơi như ngọc rụng: “Ngắm hoa tàn xem ngọc rụng” (bài Tự thán 35), nên với vẻ đẹp và cái tinh thần trong trắng ấy, mai dễ chiếm được tình người.
Tùy kiểu dáng và đặc trưng của từng loại mà mai có những tên khác nhau. Hoa trắng tinh khôi thì gọi bạch mai, cũng có người gọi chi mai hoặc mai ngự sử; đế hoa màu xanh thì gọi mai thanh đài. Hoa màu vàng được ưa thích nhứt, gọi hoàng mai hay huỳnh mai, do trổ bông vào tháng chạp nên cũng gọi lạp mai, còn trổ cả bốn mùa thì gọi mai tứ quý, có người còn gọi mai trường an.
Hoa màu đỏ gọi hồng mai, đế hoa màu hồng ngọc, cũng có loại đế màu xanh, có cành đan cài giống hình chữ “nữ” (chữ Hán) như sáu cái gạc nai thì gọi là mai thanh đài lục ngạc. Loại hoa màu tím có trái màu vàng, cả hoa và trái đều kết thành chùm, nhiều và dài như xâu chuỗi, gọi mai chuỗi. Lại có loại mai màu trắng, nhỏ, quý phái, khi nở hoa chếch nghiêng mình xuống nước, nên gọi mai chiếu thủy…
Nhưng vì sao lại gọi là mai? Với người Nam Bộ mai vàng có ý nghĩa gì? Chúng ta thử tìm duyên cớ.
Ban mai là thời điểm bắt đầu của một ngày mới, đầy tin tưởng và hi vọng. Mai, với đặc tính trổ hoa vào giữa đông, cho dù tiết trời đang lạnh giá, vạn vật như đang run rẩy, co cụm, mai vẫn cố vận hành, vươn lên để hoàn tất khâu khởi động, sẵn sàng tươi cười khoe sắc ngay khi xuân đến! Bởi gan góc như vậy nên mới được công nhận là nở trước nhất so với các loài danh hoa khác. Hoa mai được cấu tạo bởi năm cánh đều nhau, hoặc nhiều hơn, có khi hàng chục, thậm chí hàng trăm, kết dính vào tâm điểm, tạo thành một hình tròn thanh nhã y như hình ảnh của mặt trời mọc với những tia nắng ấm chiếu tỏa lúc sáng sớm.
Nói cách khác, mai nở vào thời điểm ấy như vầng dương ló dạng lúc bình minh trong ngày xuân nhật, cũng là buổi ban mai của năm mới. Vì vậy “hoa hậu” ấy mang tên “mai” – một tên gọi biểu trưng cho những gì cao đẹp nhất, tốt lành nhất, tuyệt nhất. Dân gian không phân biệt âm giọng, nên cũng hiểu mai là may mắn; và mai vàng là may mắn được vàng (24k).
Chi mai, tức mai ngự sử và nhất chi mai
Ba tên gọi của hai loài mai, nhưng chỉ cùng một sự tích. Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục:
Tập Biên biểu chép việc Lê Quý Ly cũng khá kỳ! Chép rằng: Thời vua họ Trần nước Giao Chỉ, có tên Lê Quý Ly, quán tỉnh Giang Tây qua nước đó buôn bán. Khi thuyền cặp bến, y bước lên bỗng thấy trên bãi cát có câu rằng:
"Quảng Hàn cung lý nhất chi mai" - (Một cành mai trong cung Quảng Hàn).
Về sau Quý Ly di duyên được chức quan nước ấy. Một hôm Trần vương ra nghỉ mát ở điện Thanh Thử, trước sân điện có hàng ngàn cây quế. Vua nhân ra cho quần thần một câu đối rằng:
"Thanh Thử điện tiền thiên phụ quế" - (Ngàn cây quế trước điện Thanh Thử).
Các quan bồi tùng chưa vị nào đối kịp thì Quý Ly cũng trong hàng quan đó, chợt nhờ câu thơ đã thấy trên bãi cát hồi xưa liền đem đối ngay. Vua nghe câu đối của Quý Ly rất đỗi kinh ngạc, phán rằng: «Sao ngươi lại biết việc riêng trong cung trẫm?».
Số là vua có cô công chúa tên là Nhất Chi Mai. Vua dựng riêng một cung cho cô ở, đặt tên là cung Quảng Hàn.
Quý Ly được vua hỏi, bèn đem sự thật tâu lên.
Vua rằng: "Nếu vậy là số trời!". Bèn gả Nhất Chi Mai cho Quý Ly.
Đĩa gốm cổ_Mai là bạn cũ hạc là người quen.
Từ sự tích này và phối kiểm với sử cũ của ta, rõ ràng Quý Ly là "người nhà" của vua Trần Nghệ Tông, do đó được trọng dụng, tự xưng nhiều chức và lộng quyền, hay tâu rỗi và đàn hặc các quan y như vai trò của một ngự sử. Người thời ấy do không rõ việc ở cung đình – cũng có thể do những người thân tín Quý Ly – nhân thấy công chúa có nét đẹp đài các, lại tên có chữ Mai, nên đã mượn tên của nàng đặt cho một loài mai cực đẹp là nhất chi mai. Lại một loài hoa khác không kém vẻ kiêu sa, người ta cũng mượn tên nàng để đặt, gọi chi mai (không có chữ nhất để phân biệt với nhất chi mai) hoặc gọi gộp luôn cả tên nàng và «chức» của chồng (cho có đôi) là mai ngự sử.
Nếu miền Bắc "mỗi năm hoa đào nở…" thì ở miền Nam mừng Xuân không thể thiếu mai !