Nga gấp rút bổ sung vũ khí
Trong một tuyên bố hôm 30.1, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov nhấn mạnh, bất chấp kinh tế nước này đang lâm vào khủng hoảng do phải chịu các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ cũng như giá dầu giảm mạnh, các lực lượng vũ trang nước này sẽ được bổ sung thêm 50 tổ hợp tên lửa đạn đạo hiện đại, tinh vi khác nhau vào cuối năm nay.
"Việc củng cố các lực lượng hạt nhân chiến lược của chúng tôi để đảm bảo khả năng quân sự tối ưu của họ... Sự phát triển toàn diện của các lực lượng vũ trang nói chung sẽ giúp đảm bảo rằng, Mỹ và NATO không thể đạt được ưu thế quân sự hơn nước chúng tôi", Tướng Valery Gerasimov nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc bổ sung các tổ hợp tên lửa mới chỉ là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga từ nay cho tới năm 2020. Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã tuyên bố chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ vẫn được đảm bảo bất chấp khủng hoảng kinh tế buộc chính phủ phải cắt giảm ngân sách ở các bộ phận khác.
NATO điều thêm quân binh áp sát biên giới Nga
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhiều lần cáo buộc Nga đang đặt ra nhiều mối đe dọa về an ninh cho các thành viên của họ, đặc biệt là kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.
Khi xung đột Ukraine bắt đầu bùng lên ở miền Đông nước này hồi tháng 4.2014, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. NATO không ngừng cáo buộc Nga tích cực hỗ trợ cho phe ly khai Đông Ukraine chống lại quân đội Kiev, bất chấp Moscow mạnh mẽ bác bỏ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30.1 tuyên bố với báo giới tại Brussels rằng, liên minh đang lên kế hoạch để triển khai tiếp các đơn vị quân sự tới Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Bulgaria và Romania.
Ông Stoltenberg cho biết, các đơn vị quân sự bổ sung sẽ chỉ bao gồm vài chục người (khoảng từ 40 - 50 quân nhân) và đảm nhận trách nhiệm tổ chức diễn tập và lập kế hoạch để tăng cường quân tiếp viện trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, trong báo cáo hàng năm của NATO, ông Stoltenberg cũng kêu gọi các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa hiện hữu.
"Có lý do để chúng ta phải ngăn chặn việc cắt giảm ngân sách và bắt đầu tăng dần chi tiêu quốc phòng khi các nền kinh tế của chúng ta phục hồi", ông Stoltenberg nói và nhấn mạnh, một trong những lý do là cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của Nga.
"Bất chấp khủng hoảng kinh tế, bất chấp những vấn đề tài chính mà Nga đang phải đối mặt, họ hiện vẫn ưu tiên cho ngân sách quốc phòng", ông Stoltenberg nhấn mạnh.