Bà Lê Thị Công (ảnh) cho biết, gia đình bà có nghề làm bánh thuẫn gia truyền, dù nghề đang bị mai một dần nhưng bà Công cùng chồng vẫn kiên trì bám nghề. |
Bà Công bắt đầu làm bánh thuẫn từ năm 1980, sau một thời gian làm lấy ngày công theo yêu cầu của khách hàng, bà lặn lội đi tìm mối bỏ hàng ở thành phố Quảng Ngãi và mở rộng quy mô sản xuất. |
Đến nay lò bánh của bà Công có khoảng 10 lao động thời vụ, khoảng tháng 9-10 âm lịch, các đơn đặt đến liên tục, trong 3 tháng cuối năm, bà Công cho xuất xưởng 1.000 thùng bánh, mỗi thùng giá 500.000 đồng. |
Hiện nay bánh kẹo có đủ mẫu mã đa dạng nhưng thật giả lẫn lộn. “Bánh thuẫn thì rất thật thà, chỉ có bột, đường, trứng trộn lại rồi cho vào khuôn đúc thủ công”, bà Công nói. |
Để có những chiếc bánh thuẫn chín vàng, không bị nhão hoặc sém cháy, người thợ phải trộn bột đúng công thức và canh lửa vừa phải. |
Sau khi chín, bánh thuẫn được vớt ra khỏi khuôn và cho vào lò sấy khô. |
Nhờ lò bánh này, bà Công tạo việc làm cho chị em với tiền công ngày là 120.000-150.000 đồng. |
Công việc đánh bột khá vất vả và tốn thời gian, ông Nguyễn Văn Ngàn, chồng bà Công nghĩ ra sáng kiến chế tạo chiếc máy này để đánh bột nhuyễn và nhanh hơn. |
Theo bà Công, để có thể “đi ngược chiều” với nghề làm bánh truyền thống thì phải có tình yêu với nghề. “Chiếc bánh thuẫn từ bột mà ra, qua bàn tay của người thợ đã thành hình như bông mai xuân đang nở, với tôi điều đó thật kì diệu”, bà Công nói. |
Bánh thuẫn được đóng gói chờ ngày xuất xưởng, đây là món quà mà người miền Trung đặt lên mâm cỗ dâng ông bà tổ tiên vào mỗi dịp Tết. Khi đi qua nhà bà Công, nhiều người nghe mùi bánh thuẩn thơm sực nức đã ghé lại dù chỉ để mua một bị bánh. Họ nói với bà Công rằng, mùi bánh thuẫn đã đánh thức kí ức về những cái Tết xưa nghèo khó và ấm cúng. |