Theo những người dân trong làng lưu truyền câu chuyện hình thành nghề gốm ở Thổ Hà bắt đầu từ khoảng thời Lý, Tổ nghề của làng được cho là Tiến sĩ Đào Trí Tiến. Chuyện về Tổ nghề ở làng thì Phù Lãng và Thổ Hà lưu truyền khá giống nhau, còn ở Bát Tràng thì có đôi chút khác biệt. Ở thời kỳ hưng thịnh của nghề gốm, Thổ Hà nổi tiếng là giàu có nhất nhì xứ Kinh Bắc.
Ngày nay, Thổ Hà là một trong số ngôi làng còn gìn giữ nét đặc trưng của làng quê thuần Việt khi hội tụ đầy đủ quần thể kiến trúc đình, chùa, cổng làng…uy nghi, cổ kính, phong cảnh hữu tình với cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm thâm trầm.
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà”
Lắng đọng tình người trong đất
Yêu nghề, dân làng chí thú và say mê với gốm, sáng tạo nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và chẳng mấy mà vang danh khắp vùng. Có thời gốm Thổ Hà nức tiếng ở kinh thành Thăng Long. Có sử liệu ghi lại rằng vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 ( khoảng năm 1705), có hai thợ giỏi trong làng đã mang gốm ra kinh thành đổ buôn, ở nhờ ngôi chùa Hà (trên địa bàn quận Cầu Giấy – Hà Nội ngày nay). Buôn bán rất đắt khách, làm ăn phát đạt hai thợ đã tình nguyện công đức một số tiền lớn cùng dân trong xóm xây dựng lại Chùa Hà theo quy mô lớn bằng gạch ngói như hiện nay. Có thời gian Chùa Hà có nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người Thổ Hà xưa kia.
Để có thể tạo ra được các loại sản phẩm rất bền đẹp như chum vại, chĩnh chõ, tiểu sành có màu nâu sẫm, màu da lươn, người ta phải mua đất sét từ Chóa ở huyện Yên Phong hoặc Xuân Lai (Bắc Ninh) cách xa hàng chục km và phải chở qua sông rất vất vả. Dẫu đường xa, vận chuyển khó khăn, tốn kém nhưng người thợ Thổ Hà cầu kỳ, cẩn thận trong từng chi tiết để đảm bảo chất mẫu mã sản phẩm phải đạt đến độ tinh xảo, chất lượng như ý muốn. Đó cũng là sự trân trọng của họ với nghề gốm, với chữ tín mà cha ông thế hệ đi trước đã tạo dựng nên.
Đồ gốm Thổ Hà không dùng men, nung trong lò với nhiệt cao để tự chảy men và thành sành. Chính vì thế mà tạo màu gốm rất tự nhiên với màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm đanh sắc cạnh như dao, đựng nước không thấm qua thành, đựng hạt giống không bao giờ ẩm mốc. Gốm của Thổ Hà để nghìn năm không bị mất màu do kỹ thuật nung tốt.