Để chế biến món giờ thủ, trước đó má tôi ra vườn rọc lá chuối, lau sạch làm lá gói; cọng chuối chẻ thành sợi phơi khô làm lạt buộc. Còn các nguyên liệu thịt (giò, tai, mũi, thịt nọng), má dặn trước hàng xóm khi mổ thịt chừa lại cho má những phần theo yêu cầu.
Nhìn chiếc giò thủ khi má làm xong, màu lá chuối xanh mướt, nuột lạt đều đặn. Cầm chiếc giò thủ trên tay dẻ dặt như đòn bánh tét, trông thật bắt mắt. Ngày ấy, chị em tôi còn nhỏ vụng về chỉ biết đứng xớ rớ nhìn, không phụ giúp má được gì cả!...
Thời gian lặng lẽ trôi, má nay đã già yếu, chúng tôi đã trưởng thành, và chị em tôi cứ vào khoảng 23 – 24 âm lịch lại trở về nhà thờ họ tiếp tục làm món giò thủ truyền thống ngày xưa. Nhưng món giò thủ mà chị em tôi làm, nay đã bỏ bớt đi nhiều công đoạn khó (gói lá chuối, buộc lạt) như trước kia má đã làm, thay vào đó là cách làm đơn giản hơn (hay không khéo léo hơn má?!). Ngoài các nguyên liệu cơ bản (giò, tai, mũi, thịt nọng heo); nay còn có thêm tim và lưỡi heo nữa.
Trước hết, thịt phải chọn thịt heo tơ (thịt mềm), cạo sạch và cho tất cả nguyên liệu (giò, mũi, lỗ tai, lưỡi, tim) vào nồi luộc chín (tổng cộng khoảng 1,5 kg). Vớt thịt ra cho vào nước lạnh ngay để thịt trắng, săn lại và rửa sạch mỡ, cho thịt ra rổ, để ráo. Kế đến, dùng dao bén xắt mỏng từng loại, ướp gia vị (muối, đường, bột ngọt, tỏi, tiêu xay lẫn tiêu hột) cho vừa khẩu vị, trộn đều cho ngấm (khoảng 5 phút). Cho thịt vào chảo, bắc lên bếp xào chín. Khi thấy thịt hơi nhừa nhựa nhắc xuống, dùng tấm nylon mỏng gói ngay khi thịt còn nóng (không để nguội vì nhựa thịt đông lại sẽ không kết dính). Dùng chai nhựa (chai nước tinh khiết) cắt hai đầu thành ống hình trụ, cho thịt vào chai, nén thật chặt, dùng cây nhọn xâm những lỗ trên vỏ chai để nước mỡ tươm ra, thịt sẽ dẻ dặt sau nầy. Cuối cùng, chờ thịt thật nguội, khoảng 4 – 5 tiếng lấy thịt ra cho vào ngăn lạnh, ngày hôm sau là dùng được…
Còn gì thú vị hơn trong ngày ngày Tết cùng gia đình họp mặt động đủ để thưởng thức món giò thủ cùng với bánh tét, bánh chưng, dưa món, tôm khô, củ kiệu…
Gắp một miếng giò thủ chấm vào dĩa muối tiêu chanh, cặp miếng bánh tét (hoặc bánh chưng) đưa lên miệng chậm rãi nhai, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dai, giòn, béo, ngọt, thơm,…và hương Xuân như đang tràn về mọi nẻo!. Thêm một cốc bia lạnh vào nữa, thật tuyệt vời!...