Dân Việt

Phỏng vấn gây sốc: MobiFone “chửi” ứng viên

19/05/2011 11:17 GMT+7
Ứng viên TH kể: “Buổi phỏng vấn có ba nhân viên của MobiFone (hai nữ, một nam) trực tiếp đưa ra các câu hỏi. Tôi vừa bước vào phòng đã bị phủ đầu: “Em nghĩ mình có quá già trước tuổi không?”.

Thử sức chịu đựng của các ứng viên được tuyển dụng làm việc tại trung tâm trực điện thoại, cán bộ tuyển dụng của MobiFone thường xuyên áp dụng kỹ thuật gây sốc áp đảo tinh thần ứng viên.

img

Ngày 28.4, nhân viên nhà mạng MobiFone khu vực III đóng tại TP Đà Nẵng đến phỏng vấn, tuyển dụng vị trí nhân viên trực điện thoại (điện thoại viên khu vực KCN An Đồn, quận Sơn Trà). Theo một số ứng viên, họ đã “sốc” thật sự vì bị cư xử thiếu thiện cảm và bị “chửi” bằng những lời rất nặng nề.

Ứng viên TH kể: “Buổi phỏng vấn có ba nhân viên của MobiFone (hai nữ, một nam) trực tiếp đưa ra các câu hỏi. Tôi vừa bước vào phòng đã bị phủ đầu: “Em nghĩ mình có quá già trước tuổi không?”.

Ứng viên tên L. vừa bước vào phòng cũng nhận ngay lời nhận xét của nhân viên nam: “Em là người con gái không đứng đắn…”. Quá “sốc” vì bị xúc phạm, ứng viên này đáp lại: “Đây là vì em đi xin việc chứ anh ra ngoài đường mà nói kiểu ni em cho ăn mấy cái tát…”. Phỏng vấn chưa xong, thí sinh này bỏ về với khuôn mặt sưng húp vì khóc.

Tiếp theo đó là phần kiểm tra thao tác vi tính theo yêu cầu. Ứng viên TH đã thực hiện xong một số thao tác ban đầu trên máy vi tính, chuẩn bị hoàn thành các thao tác còn lại thì bị “truất quyền thi đấu” với lý do: “Không cần phải làm nữa vì nhìn là biết không làm được rồi”.

Sau đó, một nhân viên yêu cầu TH ghi trang web Google. Ứng viên TH ghi: “www.google.com” nhưng bị “bắt chẹt”: “Thanh niên bây giờ chỉ làm những cái đã có sẵn. Muốn vào phải nhập http:// trước đã…”.

Các thí sinh cho biết khi phỏng vấn, nhân viên nhà mạng còn ngồi ăn hoa quả, nói chuyện, đi ra đi vào rất lộn xộn… Hành động này làm nhiều người xin việc cảm thấy bị xúc phạm nên kéo nhau về.

Một số ứng viên ngờ ngợ với kiểu phỏng vấn gây sốc này và mong đợi một lời xin lỗi của nhà mạng sau buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, đến ngày 13.5, khi đã có kết quả với vài người được chọn, những ứng viên bị loại vẫn chưa hề nhận được lời xin lỗi nào.

Sẽ tổ chức xin lỗi những người được phỏng vấn

“Nhà tuyển dụng có thể đưa ra những câu hỏi cũng như những câu nói tương tự để thử sức chịu đựng và khả năng thuyết phục của người xin việc trong trường hợp gặp những khách hàng khó tính. Đó cũng là một trong những cách phỏng vấn. Tuy nhiên, khi đã phỏng vấn xong thì phải gặp người xin việc để giải thích về những hành động, lời nói của mình chỉ là một giả thiết của bài phỏng vấn.

Tôi thật sự bất ngờ về những thông tin này. Tôi sẽ làm rõ sự việc và tổ chức xin lỗi những người được phỏng vấn. Bởi vì đã là nhân viên của MobiFone thì không bao giờ chấp nhận hành động đó.”

Phỏng vấn gây sốc

Để xác định được trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhận diện chân dung, tính cách cũng như động cơ làm việc của ứng viên, trong tuyển dụng có phương pháp phỏng vấn đặc biệt: phỏng vấn gây sốc. Phương pháp này có thể được áp dụng cho việc tuyển chọn các ứng viên cao cấp hoặc các vị trí liên quan đến lĩnh vực chăm sóc khách hàng, nơi đòi hỏi tính kiên nhẫn cũng như khả năng chế ngự cảm xúc cao…

Một buổi phỏng vấn dạng này có những dấu hiệu sau: không khí có vẻ không bình thường, không thoải mái; các câu hỏi đưa ra mang tính khiêu khích hoặc đi sâu vào cuộc sống riêng tư, giới tính, đạo đức… Tuy nhiên, phương pháp này còn nhiều tranh luận trong áp dụng thực tiễn và có những giới hạn nhất định về nội dung, đối tượng chứ không phải hoàn toàn không có “chống chỉ định”.

Theo Pháp Luật Việt Nam