Dân Việt

Nhớ thời tát đìa… ăn Tết!

Hai Miệt Vườn 22/02/2015 08:29 GMT+7
Ở nông thôn vùng sông nước miền Tây Nam bộ, thường nhà nào cũng có ao, đìa. Đìa là ao lớn ở giữa ruộng và vườn. Khi mùa hạn đến, cá trên đồng xuống sống, gặp đìa chất đầy chà, nước sâu, cá xuống đó trú ẩn, ... Để có cá ăn Tết, người ta tát ao, đìa để bắt cá.
Để tát những đìa lớn, người ta thường “vần công”. Trước khi công việc tiến hành mấy bữa, chủ nhà sang hàng xóm “kêu công”. Anh em bà con hoặc ở chung xóm ấp nhàn rỗi sẽ sang giúp chủ nhà.
img
Tát đìa bắt cá ăn tết Cá lóc tát đìa đem nướng trui (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Đến ngày hẹn, thường là 26 - 29 tết, khi gà vừa gáy sáng, mọi người đã chuẩn bị cơm nước và hú nhau kéo ra bờ đìa. Theo phân công và hướng tát đã chọn trước, người be bờ, đắp đập, người chịu phần nhét bọng nước, người dùng đăng chặn hết các ngõ ngách không cho cá phóng đi. Đâu đó xong xuôi, mọi người mới chia nhau tát. Có khi tát bằng gàu vai (hai người tát), có khi tát bằng thùng (một người tát), cứ thế luân phiên người này mệt người kia thay, tay tát miệng chuyện trò với đủ mọi đề tài trong cuộc sống, từ chuyện lúa thóc, đối nhân xử thế, bàn bạc chuyện sui gia, gả cưới...
img
Cá lóc tát đìa đem nướng trui (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Mặt trời lên, nước đã giựt hơn phân nửa, cá bắt đầu tìm đường thoát thân. Khi ấy, người ta cùng nghỉ tay để ăn bánh dừa, cơm nếp mang theo. Lúc này, người có kinh nghiệm sẽ đoán biết đìa trúng hay thất. Đến trưa, hoặc xế chiều nước cạn, cá lòi lưng đen trũi. Bấy giờ, người ta chỉ chừa lại hai người trực để “chắc nước”, còn lại thì ùa xuống dùng tay bắt cá bỏ vô rộng, thao, thùng thiếc, …Ngoài cá lóc, rô, trê, sặc, ra còn có lươn, rùa, ốc lát và rắn, đa số đều là rắn hiền như ri voi, ri cá, bông súng. Theo sau những người tham gia tát đìa bắt cá, trẻ con hoặc đàn bà rỗi rãnh trong xóm tranh thủ đến … bắt hôi. Tức là bắt cá còn sót lại đem về nhà ăn.

Điều độc đáo là cũng không ai la rày ai quở trách gì. Tình làng nghĩa xóm đậm đà là thế. Những người bắt hôi nhiều khi trúng lớn, bởi cá nhiều, thế nào bắt cũng xót, hơn nữa đìa nào cũng có mội nước, nếu chèn nhét không kỹ, có nước vào cá lóc sẽ chúi sâu xuống sình non, gặp đáy đìa nhiều cây lá mục, nhiều khi cả người bắt hôi cũng bó tay! Những người hàng xóm được chủ nhà “mượn” khi về còn được cho cá tép hậu hĩnh, …

Thế là một lượng thực phẩm “có sẵn” được chuẩn bị chu đáo cho ba ngày tết. Gặp năm đìa trúng, cá ăn không hết đem bán, có tiền, ăn tết càng lớn. Tiếc là, nét văn hóa dân gian độc đáo hình thành từ ngày mở cõi nay đã dần mai một.