Malaysia hiện đang đàm phán với 11 nước khác, trong đó có Việt Nam để ký TPP vào cuối năm nay với mục tiêu tạo ra cơ hội lớn cho các quốc gia thành viên hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Theo ông, TPP sẽ tác động như thế nào đến nông nghiệp và nông dân châu Á?
Có thể hiểu thế này, TPP sẽ mang cơ hội để nông dân các nước tăng tính cạnh tranh trong sản xuất nông sản. Nông sản của họ tạo ra cũng có cơ hội được xuất sang các nước nhiều hơn, nhưng ngược lại, nông sản của các nước cũng sẽ nhập khẩu vào ồ ạt hơn.
Một khi TPP được ký kết, xuất khẩu của Malaysia sang các nước sẽ tăng 1,5 tỷ USD nhưng nhập khẩu sẽ tăng nhiều hơn thế khoảng 2,9 tỷ USD. Điều này có nghĩa rằng Malaysia sẽ không có lợi nhuận ròng từ việc buôn bán gia tăng từ TPP. Khi nhập khẩu sẽ tăng nhanh hơn xuất khẩu, Malaysia sẽ phải chịu một tổn thất ròng trong cán cân thương mại của mình.
Đa số nông dân Malaysia là những hộ sản xuất nhỏ, đơn lẻ trong khi chi phí để có được chứng chỉ GlobalGAP lại rất cao. Bạn có tin được không khi chỉ có 13% người trồng trọt ở Malaysia có chứng chỉ GlobalGAP này, liệu số còn lại họ có thể cạnh tranh nổi không? Đó là chưa kể đến việc rồi Mỹ sẽ yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan nông nghiệp.
Vậy, nông dân Malaysia có ý thức được điều này không và họ phản ứng với TPP như thế nào, thưa ông ?
- Họ hoàn toàn ý thức được điều này và rất quan tâm là đằng khác. Chúng tôi có hai tổ chức về nông dân, một thuộc chính phủ, tổ chức còn lại là phi chính phủ. Đương nhiên, Chính phủ rất muốn ký TPP, bởi nhìn đại cục, TPP sẽ có nhiều cơ hội, nhưng nông dân thì phản đối. Bạn thử nghĩ xem, loại nông sản chủ đạo nhất Malaysia hiện nay là gạo. Hiện Malaysia cũng duy trì thuế quan 40% đối với mặt hàng nông sản này để bảo vệ nông dân trồng lúa. Khi ký TPP, Mỹ yêu cầu đưa thuế quan của một số mặt hàng nông sản trong đó có gạo về số 0 (zero), vậy thì nông dân trồng lúa sẽ sao đây? Chúng tôi phản đối dữ lắm.
Nông dân Malaysia có chủ động tìm hiểu về TPP không thưa ông ?
- Chúng tôi có những khuyến nghị về chính sách bảo hộ nông nghiệp lên Chính phủ. Chúng tôi cũng có nghiệp đoàn bảo vệ nông dân, còn nông dân cũng kêu gọi các tổ chức lên tiếng bảo vệ họ. Ở một số vùng, nông dân biểu tình phản đối, thậm chí nhiều người còn tuyệt thực với quyết tâm kiên quyết tẩy chay TPP.
Bài học từ NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) vẫn còn đó. Từ khi có NAFTA, khu vực nông thôn đã mất từ 2 triệu đến 3 triệu việc làm. Với nông dân, không sản xuất nông nghiệp họ biết làm gì để sống? Tôi ngạc nhiên khi nghe nói rằng, đa số nông dân Việt Nam không biết gì đến TPP. TPP là sự sống còn, tại sao họ lại thờ ơ như vậy?
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong đàm phán TPP và lời khuyên của ông dành cho nông dân Việt Nam là gì ?
- Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong đàm phán TPP. Đây là một cơ chế mở và các đàm phán đều đa phương. Các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia có nhiều điểm tương đồng, TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng thách thức của nó cũng không nhỏ vì vậy các bạn cũng sẽ phải đàm phán rất khẩn trương và quyết đoán.
Tôi muốn có lời khuyên đối với những người như bạn trước, đó là tăng cường tuyên truyền cho nông dân về ý nghĩa, lợi ích và tác hại của TPP. Trước tiên, phải làm cho nông dân hiểu khái niệm TPP là gì. Chúng tôi cũng đã rất vất vả để nông dân Malaysia hiểu được khái niệm này. Sau đó, khi đã hiểu được TPP, tổ chức bảo vệ nông dân phải có khuyến nghị những chính sách phù hợp để bảo vệ nông dân và các sản phẩm nông nghiệp, yêu cầu chính phủ quyết liệt trong khi đàm phán về thuế quan nông nghiệp...
Còn với nông dân, bản thân họ phải nâng cao hiểu biết để tăng tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp. Nếu nông dân Việt Nam đã có những bài học về WTO, thì nay, họ cũng sẽ đối mặt với những luật lệ cạnh tranh tương tự, thậm chí khắc nghiệt hơn.
Xin cảm ơn ông !