Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, trưởng phòng Hóa phân tích, viện Hóa học Việt Nam, thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam khẳng định, hợp chất làm vàng giả ở Việt Nam không phải là Vonfram.
Thành phần chính của loại bột siêu nặng này là hỗn hợp của ba nguyên tố có tỷ trọng rất cao, đó là Ruthenni có tỷ trọng 12,45g/cm3, nhiệt độ nóng chảy 2.334°C; Iridi có tỷ trọng 22,65g/cm3, nhiệt độ nóng chảy 2.466°C; Osmi có tỷ trọng 22,61g/m3, nhiệt độ nóng chảy 3.033°C.
Vẫn theo tiến sỹ Vũ Đức Lợi, loại bột siêu nặng này không tạo hợp kim với vàng và không tan trong hầu hết các loại axít, kể cả dung dịch cường toan. Vì vậy, khi phân kim vàng thì loại bột này sẽ vẫn còn nguyên vẹn và lắng đọng ở đáy bình.
Loại bột này thường là sản phẩm phụ đi kèm quặng bạch kim. Riêng hợp chất Vonfram ở dạng cục chứ không phải dạng bột và tỷ trọng của nó là 19,30g/m3, còn tỷ trọng của vàng là 19,32g/m3. Do vậy, khi hai hợp chất này trộn với nhau thì hợp chất Vonfram sẽ nổi lên trên bề mặt.
Như tin đã đưa, thời gian gần đây trên thị trường vàng tại Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Ninh Bình và Cao Bằng xôn xao về việc vàng miếng có hợp chất lạ. Không ít cửa hàng do chủ quan đã mua loại vàng này, đến khi nung chảy phân kim mới biết là hàm lượng vàng chỉ có khoảng 60 - 80%, còn lại là chất lắng cặn như hạt cát mịn. Với giá vàng hiện nay khoảng 3,7 triệu đồng/chỉ, như vậy kẻ gian có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh vàng và người tiêu dùng khoảng 7,5 triệu đồng/lượng vàng.
Một chuyên gia cho rằng có khả năng vàng miếng có hợp chất lạ có thể là Vonfram. Vonfram được ứng dụng rất rộng rãi như dùng để chế tạo thép siêu cứng và chịu nhiệt, thiết bị cắt nhanh, hợp kim, dùng trong kĩ thuật điện (làm dây tóc bóng đèn điện), trong kĩ thuật vô tuyến điện.