Những người Việt cuối cùng bám trụ trong thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine thời gian qua đang làm danh sách và các thủ tục cần thiết để làm giấy phép thông hành, rời khỏi vùng chiến sự khốc liệt ở miền Đông.
Không có nơi nào an toàn
Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, thành phố Donetsk không ngừng tiếng đạn pháo, những cuộc giao tranh đã tăng mức độ ác liệt lên từng ngày. Không chỉ giao tranh tại các điểm nóng mà cả phe li khai và quân chính phủ đang tranh dành nhau, đạn pháo cũng đã tấn công tới tấp vào các khu dân sự, nơi vẫn có đông dân cư sinh sống. Đặc biệt trong ngày 31.1, đạn pháo đã nã vào khu chung cư ở cuối chợ Ga, nơi đây có khoảng 5 gia đình người Việt đã mua căn hộ định cư. Đây là lần thứ 3 đạn pháo đã nã vào tòa nhà này, gây hư hỏng nghiêm trọng.
May mắn, do tòa nhà này hay bị đạn pháo “hỏi thăm” nên người dân đã sơ tán gần hết và không có thiệt hại về người. Chỉ trước đó vài ngày, đạn pháo hạng nặng cũng nã vào các khu dân cư khác, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương. Khu chợ Ga - nơi người Việt vẫn làm ăn buôn bán cũng trúng đạn khiến một người nước ngoài bán hàng thuê thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Hiện tại, trong thành phố Donetsk thực sự không còn chỗ nào an toàn. Anh Trịnh Văn Tiên- Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Donetsk cho biết, chính quyền Ukraine đã tiến hành làm thủ tục cấp giấy phép cho người dân ra, vào vùng chiến sự. Cụ thể, tại Donetsk, giấy thông hành được làm tại chốt kiểm soát Volnovakha (nơi đã xảy ra vụ chiếc xe khách bị trúng đạn). Anh Trịnh Văn Tiên cũng thông báo cho những người Việt đang bám trụ trong thành phố Donetsk có nhu cầu đi lại thì phải phô tô giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, thẻ định cư, đơn trình bày bằng tiếng Ukraine… Cũng theo anh Tiên, Hội Người Việt tại Donetsk cũng khuyến cáo và thường xuyên nhắc nhở bà con cộng đồng người Việt vào thời điểm này, việc lưu thông trên đường cũng rất nguy hiểm, bà con hạn chế ra ngoài để tránh điều đáng tiếc.
Đi về đâu?
Nhiều người Việt ở Donetsk cố gắng bám trụ tại thành phố với hi vọng tình hình sẽ bớt căng thẳng, tuy nhiên thực tế tại khu vực miền Đông đang cho thấy, giao tranh tiếp tục diễn ra với mức độ nguy hiểm tăng dần. Trong tình cảnh chưa thể rời khỏi Donetsk, người Việt đã khẩn trương tích trữ lương thực, thực phẩm, đặc biệt là gạo. Đến ngày 29.1, gạo tại các siêu thị và trong chợ vẫn còn bán, người Việt đã tranh thủ đến những địa điểm này mua một số lượng lớn tích trữ để cầm cự.
Trong khi đó, một tình cảnh éo le khác cũng đang xảy đển với rất nhiều người dân vùng Donbass. Bà Eva Gukalova- Đại diện của nhóm tình nguyện sáng kiến xã hội “Bến đỗ Kharkov” cho biết, phần lớn những người dân sơ tán vì không tìm được việc làm và chỗ ở đành phải quay lại vùng chiến sự, nơi đạn pháo nã rầm vang mỗi ngày.
Theo lời bà Eva Gukalova, tại Kharkov, giá bất động sản đang nóng lên, nhưng lại khó khăn về vấn đề tìm kiếm việc làm. Những người dân sơ tán không kiếm được tiền để sống, nên họ đành phải trở về Donbass. Tại Kharkov, chỉ có những người có việc làm, có thai gần đến ngày sinh, những gia đình có nhiều con nhỏ và bị thương mới tìm được bảo đảm chỗ ở.
Những người tình nguyện ghi nhận, hàng ngày có hàng trăm người tại các nhà ga tìm cách trở lại Donbass, mặc dù được những người tình nguyện can ngăn. Họ nói rằng họ đã bị “tra tấn” trên khắp đất nước Ukraine.
Tối hậu thư
Đến thời điểm này, vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi các cuộc hòa đàm liên tiếp bị đổ vỡ. Trong cuộc đàm phán ngày 1.2, tại Minsk, Belarus, đại diện “Cộng hòa Donetsk” và “Cộng hòa Lugansk” tự xưng đã đe dọa một cuộc chiến tranh toàn diện, nếu Kiev không thực hiện điều kiện mà họ đưa ra. Hãng thông tấn Interfax-Ukraine đưa tin, dẫn lời cựu Tổng thống Ucraina Leonid Kuchma - thành viên nhóm liên lạc ba bên cho biết: “Họ yêu cầu Tổng thống Ukraine ban hành lệnh ngừng bắn đơn phương và đe dọa sẽ khởi động một cuộc chiến tranh toàn diện trên suốt đường giới tuyến, trong trường hợp tối hậu thư này không được thực hiện”.
Cũng trong thời điểm tối 1.2, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Ukraine, lãnh đạo Đức và Pháp nhất trí với Kiev về lập trường cương quyết trong yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, nhằm chấm dứt đổ máu và leo thang căng thẳng tại khu vực chiến sự Donbass. Các bên cũng chủ trương tôn trọng mọi thỏa thuận đã đạt được trước đây ở Minsk. Thông báo nhấn mạnh: “Vì chỉ có các thỏa thuận này là cơ sở cho việc giải quyết hòa bình tình hình Donbass”. Tổng thống Poroshenko cũng đã thống nhất với Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp rằng không thể có điều kiện đặt trước cho các cuộc đàm phán của nhóm liên lạc ba bên.